Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm

Truy xuất nguồn gốc là công cụ quan trọng để tăng cường lòng tin của khách hàng, đảm bảo trách nhiệm giải trình của nhà sản xuất và nhà cung cấp đối với chất lượng các nông sản đưa ra thị trường.

Cấp “căn cước” cho nông sản

Đầu năm 2021, sau quá trình chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, cam kết về tuân thủ quy trình sản xuất theo VietGAP, cơ sở sản xuất rau, củ, quả của gia đình ông Tống Viết Vinh, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã được Hội Nông dân huyện hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch và hướng dẫn, hỗ trợ triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Chú thích ảnh
Sầu riêng vùng trồng huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Việc áp dụng giải pháp ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã giúp mô hình của gia đình ông chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở sản xuất hàng hóa tiên tiến, bền vững, đem lại lợi nhuận ổn định. Hiện, gia đình ông đã đưa 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP lên sàn giao dịch POSTMART gồm có: cà chua, mướp, dưa chuột, cải canh, mồng tơi với giá bán hợp lý.

Ông Tống Viết Vinh chia sẻ, từ khi đăng ký tem nhãn cung cấp thông tin, nguồn gốc hàng hóa, các sản phẩm rau, củ, quả của gia đình ông được các cửa hàng nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh tin dùng, đến thu mua với số lượng lớn. Sản phẩm được đánh giá cao về tính minh bạch trong nguồn gốc, do đó, số lượng tiêu thụ ngày càng tăng lên.

Tem truy xuất nguồn gốc đang được sử dụng phổ biến hiện nay có chứa mã xác thực QR code. Trên bề mặt tem có chứa thông tin được mã hóa, khi sử dụng phần mềm, ứng dụng quét mã, mọi thông tin liên quan về sản phẩm sẽ hiện ra một cách chi tiết và cụ thể.

Các chủ thể được lựa chọn áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc là những hộ, cơ sở sản xuất ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được chứng nhận VietGAP, HACCP đáp ứng các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa...

Trong khi đó, dự án Thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam triển khai trên 40.000 ha tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi có điều kiện khí hậu phù hợp để trồng các loại rau ôn đới vào mùa hè cũng cho hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Dự án do Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia tại Việt Nam (ACIAR) thực hiện giúp người dân ứng dụng ghi chép điện tử để nhập thông tin sản xuất; in tem nhãn tại trang trại với thông tin sản phẩm, mã QR và mã vạch cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Ngoài ra, với phần mềm mới có thể liên kết tất cả, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR sẽ được cung cấp thông tin về nông dân và cây trồng. Nhà bán lẻ chỉ cần quét mã QR sẽ có thông tin về VietGAP và sự tuân thủ, truy xuất nguồn gốc, nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển. Nhật ký truy xuất việc tuân thủ VietGAP cho từng chuyến hàng sẽ được hệ thống xây dựng báo cáo tuân thủ cho từng lô hàng được lưu trữ bằng điện toán đám mây.

"Mỗi năm huyện Mộc Châu và Vân Hồ sản xuất khoảng 70.000 tấn rau theo quy trình VietGAP với giá trị khoảng 30 triệu USD. Sản xuất rau theo quy trình VietGAP sẽ cho năng suất cao hơn 110%. Đặc biệt, thị trường sẵn sàng chi trả thêm 30 - 40% chi phí cho rau có chứng nhận VietGAP", bà Nguyễn Thị Nga - điều phối viên của dự án này thông tin.

Theo đó, tới nay, lưu trữ hồ sơ, áp dụng lịch canh tác, nhật ký canh tác hay công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI)… trong sản xuất nông nghiệp dần không còn “xa lạ” với mỗi nông dân khi những giải pháp số hóa này đang giúp "gặt hái” những lợi ích hết sức thiết thực.

Cần chuẩn hóa giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Truy xuất nguồn gốc là một trong 8 vấn đề trọng tâm của chuyển đổi số nông nghiệp. Để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ quản lý nhà nước tới doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Chú thích ảnh
Mã QR Code giúp truy xuất nguồn gốc xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: TTXVN

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện Việt Nam có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1… Đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp. Do đó, truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể.

Bên cạnh đó, nông nghiệp còn có quá nhiều cấu phần, chỉ tính riêng khâu sản xuất đã rất nhiều. Ngành nông nghiệp xác định sẽ xây dựng kiến trúc, công nghệ có lộ trình. Việc áp dụng sẽ ưu tiên các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, cùng với đó là quan tâm thị trường nội địa.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, nguyên tắc để quản lý truy xuất nguồn gốc là chúng ta kiểm soát toàn bộ thông tin từ trang trại, vườn trồng đến sơ chế, đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói có nhu cầu đăng ký mã số thì trước tiên phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng phần mềm quản lý cơ sở đóng gói. Các chủ cơ sở đóng gói có thể liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để có tài khoản dùng thử.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Hệ thống sử dụng cho các cơ quan quản lý (Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại các địa phương) và kết nối dữ liệu với “Nhật ký đồng ruộng” và trong tương lai là phần mềm về “quản lý cơ sở đóng gói”.

Chia sẻ về Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, hệ thống hiện đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

Để Hệ thống Truy xuất nguồn gốc tại Bộ hoạt động thực sự hiệu quả, ông Nam cho rằng, rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng Truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Do đó, truy xuất nguồn gốc nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung.

Từ phía các hợp tác xã, những nông hộ sản xuất trực tiếp, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam Mai Quang Vinh khẳng định rất cần sự tăng cường quản lý, giám sát thông tin sản phẩm của cơ quan chức năng. Ông Mai Quang Vinh cho biết: “Hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR. Việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo. Doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.”

Trên cơ sở đó, ông Vinh mong muốn, thời gian tới sẽ được phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển một cổng thông tin về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

Cùng chung quan điểm cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để định danh các tác nhân như: Sản xuất, chế biến, vận chuyển, phân phối…, ông Nguyễn Thế Tiệp - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả cho rằng, hiện các đơn vị cung cấp dịch vụ đa phần kín, làm sao kết nối, chia sẻ được dữ liệu giữa hàng trăm, hàng nghìn đơn vị cung cấp giải pháp thành hệ sinh thái.

Có thể thấy, trong giai đoạn số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm đang mang lại những lợi ích thiết thực cho phát triển nông nghiệp, dẫn đường cho xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm Việt Nam, rất cần sự tham gia tích cực của quản lý nhà nước tới doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân để hiện thực hóa mục tiêu nền nông nghiệp minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ): “Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai vào năm 2019. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/1/2022, trong đó bổ sung quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Qua đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trong thống nhất quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc để có các cơ chế thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, ban hành hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau áp dụng truy xuất nguồn gốc một cách minh bạch, thống nhất.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chỉ đạo Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia đáp ứng theo các chuẩn mực quốc tế. Đây sẽ là công cụ, cầu nối gắn kết người tiêu dùng với doanh nghiệp và cũng là cầu nối gắn kết các giải pháp truy xuất nguồn gốc để tăng thêm giá trị hàng hóa của Việt Nam.”

 

Minh Tuệ/Báo Tin tức
Số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm
Số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm

Ngày 28/2, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN