Số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm

Ngày 28/2, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm”. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp. Để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ quản lý nhà nước tới doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Quản lý nhà nước trong vấn đề truy xuất nông sản là phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân… Với những giá trị đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, hiện Việt Nam có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1… Đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp. Do đó, truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể.

Bên cạnh đó, nông nghiệp còn có quá nhiều cấu phần, chỉ tính riêng khâu sản xuất đã rất nhiều. Ngành nông nghiệp xác định sẽ xây dựng kiến trúc, công nghệ có lộ trình. Việc áp dụng sẽ ưu tiên các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, cùng với đó là quan tâm thị trường nội địa.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ, nguyên tắc để quản lý truy xuất nguồn gốc là chúng ta kiểm soát toàn bộ thông tin từ trang trại, vườn trồng đến sơ chế, đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói có nhu cầu đăng ký mã số thì trước tiên phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. 

Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng phần mềm quản lý cơ sở đóng gói. Các chủ cơ sở đóng gói có thể liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để có tài khoản dùng thử.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Hệ thống sử dụng cho các cơ quan quản lý (Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại các địa phương) và kết nối dữ liệu với “Nhật ký đồng ruộng” và trong tương lai là phần mềm về “quản lý cơ sở đóng gói”.

Chia sẻ về Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, hệ thống hiện đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

Để Hệ thống Truy xuất nguồn gốc tại Bộ hoạt động thực sự hiệu quả, ông Nam cho rằng, rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng Truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Do đó, truy xuất nguồn gốc nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung.

Ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam chia sẻ, hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR. Việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo. Doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Trên cơ sở đó, ông Vinh mong muốn, thời gian tới sẽ được phối hợp chặt chẽ với Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phát triển một cổng thông tin về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

Cùng chung quan điểm cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để định danh các tác nhân như: sản xuất, chế biến, vận chuyển, phân phối…, ông Nguyễn Thế Tiệp - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống giả cho rằng, hiện các đơn vi cung cấp dịch vụ đa phần kín, làm sao kết nối, chia sẻ được dữ liệu giữa hàng trăm, hàng nghìn đơn vị cung cấp giải pháp thành hệ sinh thái.

Bích Hồng  (TTXVN)
Nâng tầm giá trị nông sản bằng tem truy xuất nguồn gốc
Nâng tầm giá trị nông sản bằng tem truy xuất nguồn gốc

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản có vai trò hết sức quan trọng, giúp minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Do đó, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hỗ trợ nông dân triển khai tem truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm đặc hữu của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng tầm giá trị hàng hóa, bảo vệ thương hiệu, tạo niềm tin với khách hàng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN