Khởi động từ năm nay, Diễn đàn là một sự kiện thường niên quan trọng nhằm thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rằng phát triển hệ thống bán lẻ là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ của Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới không chỉ mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng và dịch vụ trong lĩnh vực bán lẻ. Vì vậy, phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững cần hướng đến thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại trong đó đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, theo ông Phan Văn Chinh, cần tăng cường năng lực cạnh tranh và hợp tác trong đó khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.
Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng các chuỗi cung ứng xanh, khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải trong các hoạt động bán lẻ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về tiêu dùng bền vững, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.
"Đặc biệt, cần xây dựng mạng lưới bán lẻ đồng bộ, bao trùm trong đó cần phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại không chỉ ở đô thị mà còn mở rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng. Thúc đẩy hội nhập và cạnh tranh lành mạnh trong đó điều kiện tiên quyết là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển ngành bán lẻ, mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội", ông Phan Văn Chinh cho biết.
Bà Đoàn Thị Hương Thanh - Giám đốc Pháp chế, Wincommerce chia sẻ, theo Chiến lược đề ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn trong đó Giai đoạn từ 2021 đến 2030, doanh nghiệp tập trung vào chỉ số như: tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm khoảng 38 - 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ phát triển trong thời gian tới, bà Đoàn Thị Hương Thanh kiến nghị Chính phủ và các cơ quan, bộ ban ngành hoàn thiện và ban hành các chính sách liên quan đến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, hỗ trợ hệ thống bán lẻ trong nước phát triển. Trong đó, cần thiết xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện liên quan đến việc tham gia thị trường bán lẻ và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa.
“Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan quản lý hỗ trợ đẩy nhanh quá trình công nhận các quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nội địa (đặc biệt là đặc sản Việt Nam) và có hướng dẫn triển khai việc đánh giá, cấp chứng nhận nhãn hiệu nổi tiếng cho các nhà bán lẻ nhằm tăng cường nhận diện sản phẩm/nhà bán lẻ nội địa, tránh đạo nhái, làm giả hàng hóa”, bà Đoàn Thị Hương Thanh kiến nghị.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn là chú trọng vào các giải pháp phát triển bền vững trong thương mại, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số và phát triển các mô hình tiêu dùng xanh. Các diễn giả cho rằng, việc áp dụng các xu hướng công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và các công cụ phân tích dữ liệu trong quản lý chuỗi cung ứng sẽ không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động bán lẻ, mà còn góp phần tạo ra một thị trường bán lẻ xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.