Hội thảo nhằm đánh giá lại công tác thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm.
Để xây dựng Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành khảo sát trên cả nước. Hiện cả nước có hơn 4.700 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giới thiệu với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về một số sản phẩm trưng bày tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần thứ V ngày 1/9. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN |
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm này vẫn chủ yếu là nội tỉnh, khâu thương mại vẫn còn yếu kém. Phần lớn sản phẩm tồn đọng là do quy trình sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, tổ chức bộ máy quản trị, trình độ lao động còn yếu, thị trường tiêu thụ không ổn định, chưa hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, tiêu chuẩn, chất lượng.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Yếu nhất của nền sản xuất hiện nay là khâu chế biến và khâu thương mại, tất cả sản xuất ra thô là chính. Bộ trưởng khẳng định: Không có thị trường nào quá khắt khe, chỉ có việc chúng ta tổ chức chưa tốt, chất lượng chưa bảo đảm, chưa có sự cạnh tranh và gắn với thương mại.
Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu và có được thành công từ Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm hơn 3 năm qua, với việc xác định được hàng trăm sản phẩm chủ lực, trong đó có 6 sản phẩm quốc gia. Quảng Ninh có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thương mại sản phẩm Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm mà các địa phương khác có thể học hỏi.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Việc Quảng Ninh thực hiện tốt là do đã xây dựng các điểm bán hàng từ cấp tỉnh đến huyện, các chợ, mục đích đưa các sản phẩm tiếp cận tới khu dân cư…
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 11.000 xã, phường với rất nhiều sản phẩm đặc trưng là lợi thế thúc đẩy OCOP, chưa kể hàng trăm nghìn làng nghề nổi tiếng. Nếu làm tốt khâu thương mại, OCOP chắc chắn sẽ là giải pháp ổn định thị trường và là đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.