Để chấn chỉnh hoạt động này, tỉnh kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật đất đai đối với những chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện triển khai dự án, gây bức xúc trong dư luận.
Từ năm 2000 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu hút và cấp phép cho 548 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 168.259 tỷ đồng; trong đó, có 92 dự án từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.620,76 triệu USD (tương đương 57.656 tỷ đồng), chiếm 34,22% tổng vốn đăng ký đầu tư.
Trong tổng số 548 dự án được cấp phép, hiện có 285 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 33.637 tỷ đồng, có 180 dự án đang triển khai với tổng vốn đăng ký 56.257 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, công tác quản lý, sử dụng đất của các dự án trên địa bàn luôn được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm chỉ đạo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Nhờ đó, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, đầu tư. Hợp đồng giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất giữa nhà nước với các nhà đầu tư được các sở, ngành tham mưu chặt chẽ, làm cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh, cũng như thu hồi các dự án.
Bên cạnh những mặt tích cực, tỉnh Thừa Thiên - Huế kiên quyết không xem xét gia hạn sử dụng đất, không gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất, không điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án trong giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm triển khai hoặc sử dụng đất sai mục đích.
Hiện đã có 46 dự án đã ngừng hoạt động và 37 dự án đã bị thu hồi với tổng vốn đăng ký 18.365 tỷ đồng. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu công nghiệp có đến 21 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký 639,2 ha, 15 dự án ngừng hoạt động với diện tích đất đăng ký 49 ha.
Điển hình dự án khu nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô của CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô đăng ký sử dụng 292 ha đất, đã được gia hạn nhiều lần và cam kết đi vào hoạt động tháng 7/2016, nhưng trên thực tế vẫn chưa triển khai bất kỳ hạng mục xây dựng nào.
Dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối (dưới chân núi Hải Vân) của Công ty TNHH MTV Bãi Chuối (Việt Nam), đăng ký sử dụng đất 100 ha, chậm khởi công 74 tháng so với cam kết. Dự án quần thể sân golf - làng du lịch sinh thái phong cảnh Việt Nam đã đăng ký tổng diện tích quy hoạch là 439,3 ha, đến nay mới chỉ 75,7 ha được quy hoạch chi tiết để đưa vào sử dụng. Các hộ dân trong vùng quy hoạch treo này đang khốn khổ vì không thể tách thửa để sang nhượng đất.
Nhiều dự án ở các khu "đất vàng" ở thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà cho đến nay chưa thực hiện hoặc chậm đưa vào sử dụng theo cam kết, đã làm mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân. Đáng chú ý, dự án khách sạn Đông Dương, số 2 Hùng Vương, thành phố Huế; dự án công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp tại khu đất số 14, 16, 18 và 20 Lý Thường Kiệt, thành phố Huế.
Thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là các dự án được gia hạn thời gian sử dụng đất; tổng hợp, phân loại chính xác, đầy đủ các hình thức vi phạm của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để xử lý đúng quy định; có giải pháp đồng bộ trong xử lý, kiên quyết thu hồi đất những dự án chậm triển khai kéo dài, vi phạm pháp luật đất đai do chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện dự án.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện công khai danh mục các dự án chậm triển khai tiến độ, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn theo quy định; các quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã hết hiệu lực; các tổ chức bị thu hồi đất do vi phạm; các tổ chức nợ nghĩa vụ tài chính… trên cổng thông tin điện tử tỉnh và các website của các sở, ngành để người dân biết, giám sát...