Các ngân hàng đã giải ngân số tiền là 1.344 tỷ đồng, gồm 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), có thêm các ngân hàng TPBank, VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình, với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng, nâng tổng số có 8 NHTM tham gia, với 140.000 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng, thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai Chương trình gói tín dụng 120.000 tỷ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các NHTM Nhà nước trên thị trường trong các thời kỳ.
Tuy nhiên, trong suốt những tháng qua, nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ giải ngân gói vay mua nhà còn quá chậm, chưa hiệu quả. Vì vậy, tại cuộc họp mới đây của NHNN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đến hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3 - 5%. Đối với khách hàng là chủ đầu tư, giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5 - 2%.
“Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của NHNN để tạo điều kiện cho người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phù hợp với Thông báo 123 của Văn phòng Chính phủ ngày 27/3; kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhà ở xã hội; Nghị quyết 44 của Chính phủ ngày 5/4; phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024; Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương; Công điện 32 ngày 5/4 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp điều hành tăng cường tín dụng năm 2024”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng thuận với nội dung đề xuất của NHNN và yêu cầu NHNN sớm hoàn thiện, trình phê duyệt Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo chất lượng, có đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu đối với các dự án nhà ở thương mại, khuyến khích nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thu hút, đẩy nhanh xây dựng phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo mục tiêu của Đề án đặt ra.
Theo mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tổng hợp của các địa phương từ năm 2021 đến nay, cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, với quy mô 561.816 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 79 dự án, với quy mô 40.679 căn; số lượng dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng là 128 dự án, với quy mô 111.688 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án, với quy mô 409.449 căn.