Thu mua ồ ạt lá vải ở Bắc Giang: Mục đích gì?

Hơn 1 tháng trở lại đây, nông dân ở hai huyện Lục Nam và Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã thu gom lá vải thiều khô để bán cho thương lái. Việc làm này được cho là không thích hợp vào thời điểm hiện nay, khi giống cây này bắt đầu ra hoa.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, thì hiện không phải là thời điểm tỉa cành, tạo tán chính trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây vải thiều; nếu tỉa cành để lấy lá với số lượng lớn thì sẽ làm cho cây chuyển sang ra lộc, thay vì ra hoa, ảnh hưởng lớn năng suất, sản lượng của cả vụ.

Có một điều lạ là chủ địa điểm “tập kết” các bao tải chứa lá vải thiều (đại lý của ông chủ Nguyễn Đắc Đạo tại thôn Áp, xã Tân Quang) lại không biết mục đích của người đặt mua là gì. Ông Đạo cho biết chỉ làm theo đơn đặt hàng chứ việc thu mua lá vải thiều khô để làm gì thì ông cũng chịu.


Những kho lá vải chật ních sắp được xuất đi nhưng không biết mục đích để làm gì (Ảnh:ANTĐ)


Lục Ngạn là huyện có sản lượng vải thiều lớn nhất nước, đồng thời là địa phương chính cung cấp vải thiều tươi sang thị trường Trung Quốc. Vụ vải thiều năm 2011, tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 69.000 tấn, bằng hơn 70% sản lượng vải thiều của huyện Lục Ngạn. Năm 2011, có hơn 100 thương nhân Trung Quốc sang tận Lục Ngạn đặt điểm cân. Việc thu mua lá vải thiều diễn ra vào giai đoạn nhạy cảm (không phải là lúc thu hoạch quả xong) nên một số người lo ngại đây có thể là chiêu tương tự thu mua ốc bươu vàng, mèo, đỉa… thời gian qua.

Tuy nhiên, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho rằng, sự lo lắng là không có cơ sở, bởi tiền bán lá thấp hơn rất nhiều lần để cây ra quả nên không ai dại vặt lá để bán.

Về vai trò của Phòng Nông nghiệp trước việc thu mua ồ ạt lá vải thiều, Trưởng phòng Nông nghiệp Lục Ngạn cho biết, sự việc diễn ra tại địa phương một thời gian, nhưng thấy không ảnh hưởng gì đến sản xuất của nông dân nên Phòng Nông nghiệp không can thiệp. Ông cũng khẳng định không biết mục đích của người mua là gì.

Trả lời Báo Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Hường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Sơn- công ty đặt hàng thu mua lá vải cũng chỉ cho biết công ty đang hợp tác với đối tác ở Nhật Bản để xuất khẩu lá vải, nhãn khô. Còn mục đích để làm gì thì… xin giữ kín.

Tờ báo này cũng dẫn lờiTS Trịnh Khắc Quang – Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, về mặt khoa học, lá vải thiều khô không có tác dụng gì để làm thuốc hay làm gì khác. Vì vậy, người dân nếu tỉa cành tuốt lá để bán sẽ nguy hại đến sự sinh trưởng và phát triển của cây vải.

Tương tự, GS-TS Vũ Mạnh Hải – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Tôi đã nghiên cứu về cây vải từ khá lâu, thời còn làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, tôi cũng rất quan tâm đến vùng vải thiều Lục Ngạn. Theo như tài liệu tôi có được, lá vải thiều khô không có tác dụng gì về mặt y dược hay tác dụng gì cả. Tôi cũng vừa mới xem qua thông tin về việc thu mua lá vải thiều nhưng thực tình tôi cũng không rõ mục đích của công ty thu mua là gì”.

Nhiều đặt nghi ngờ về mục đích thu mua lá vải, nhãn của các công ty và bày tỏ lo ngại, việc tận thu lá vải không đúng cách sẽ khiến vùng đất vải thiều năm nay có nguy cơ mất trắng./.

Theo VOV/ Ngọc Thành (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN