Thống nhất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 28 - 29/12/2015 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong đó có nội dung thống nhất các giải pháp trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 2016 của Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Các biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2016 phải được xây dựng dựa trên nền tảng tình hình thực tế; đồng thời triển khai nhanh, toàn diện ngay từ đầu năm mới - năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 của đất nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhóm vấn đề về các giải pháp, biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016. Các đại biểu nhất trí báo cáo với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ đề xuất; trong đó nhiệm vụ số một là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Tám - TTXVN



Ý kiến của các đại biểu tập trung vào những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2016, Chính phủ tiếp tục đặt quyết tâm tạo chuyển biến căn bản về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, tăng cường công tác thông tin truyền thông.

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, cá nhân liên quan nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, phát luật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Tại hội nghị lãnh đạo các địa phương cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo bổ sung nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là những dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương đóng góp một số ý kiến đối với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016; đặc biệt là công tác chuẩn bị cho việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo tính chủ động cho doanh nghiệp...

Trên lĩnh vực tài chính - tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Một số mặt hàng thiết yếu được Nhà nước quản lý đang trong lộ trình tiếp tục điều chỉnh theo cơ chế thị trường là những yếu tố có thể làm mặt bằng giá cả và lạm phát có khả năng tăng trở lại vào năm 2016 và những năm tiếp theo. Từ góc độ đó, để tiếp tục kiềm chế lạm phát cần có biện pháp kịp thời, nhanh nhạy, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới và những vấn đề phát sinh tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định kiềm chế lạm phát ở mức mà Quốc hội đã thông qua ở mức dưới 5% trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, nếu có điều kiện thì lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ được giảm hơn nữa (có thể giảm thêm 0,3%) để hỗ trợ cho đầu tư, phát triển. Về tỷ giá, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tiếp tục giữ ổn định thị trường ngoại tệ, cũng như tỷ giá của đồng Việt Nam. Về tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát ở mức dưới 20%. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng lành mạnh hơn, vững chắc hơn, có thể chống chọi được với những tác động bất lợi từ bên ngoài cũng như từ nội tại của nền kinh tế.

Về thương mại, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tin tưởng Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 là 10%. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ, vài năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt năm 2015 đạt mức gần 6,7% tuy nhiên đi cùng đó cũng là những vấn đề về lạm phát, chênh lệch về phát triển vùng, đời sống dân sinh... Do đó, trong thời gian tới cần có chính sách để đảm bảo vừa tăng trưởng kinh tế hợp lý, vừa đi đôi với phát triển bền vững, nâng cao an sinh xã hội, giảm thiểu chênh lệch phát triển vùng giữa thành thị và nông thôn, miền núi với đồng bằng.
PV (tổng hợp)
Trung Quốc đề ra 5 nhiệm vụ lớn phát triển kinh tế xã hội
Trung Quốc đề ra 5 nhiệm vụ lớn phát triển kinh tế xã hội

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trình bày xu hướng chính sách kinh tế vĩ mô năm 2016 của Trung Quốc, đề ra công tác trọng điểm phát triển kinh tế xã hội năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN