Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015: Nỗ lực cho sự phục hồi thật sự

Tháng 12/2015 đang khép lại với dấu mốc kết thúc Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015.

Đảm bảo việc làm cho người lao động.

Mặc dù còn không ít hạn chế, yếu kém, kế hoạch phát triển này đang được các tổ chức, diễn đàn trong nước và quốc tế nhìn nhận là một sự cải thiện và phục hồi thật sự của nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân cùng với sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của bạn bè và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Thành quả không thể phủ nhận

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015 là kế hoạch 5 năm năm đầu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020. Mặc dù gặp một số khó khăn trong những năm đầu giai đoạn, nhưng về cơ bản, các mục tiêu tăng trưởng  của kế hoạch này đều đã được hoàn thành.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý, chất lượng tăng trưởng tiếp tục có bước cải thiện. GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm. Kim ngạch xuất khẩu bình quân 5 năm 2011 - 2015 ước tăng 18%/năm, cao hơn mức 17,3%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010; tỷ lệ nhập siêu (so với kim ngạch xuất khẩu) giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015.

Tổng thu ngân sách 5 năm tăng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển vẫn đảm bảo trong giới hạn an toàn theo quy định của Quốc hội (đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%). Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, dự trữ ngoại hối năm 2015 ước đạt 38 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm ước đạt 31,2% GDP, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.

Các vấn đề xã hội được quan tâm đúng mức, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân dân được cải thiện rõ nét. Trong giai đoạn 2011-2015, tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm (các huyện nghèo giảm trên 4%/năm), đến cuối năm 2015 còn dưới 4,5%. Số người tham gia BHXH tăng từ 9,7 triệu người năm 2011 lên 12 triệu người năm 2015.

Công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và xử lý ô nhiễm được quan tâm thực hiện, năm 2015 tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt khoảng 75%, chất thải rắn y tế đạt 80%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý đạt 92,5%...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đạt thấp so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Chất lượng tăng trưởng còn thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thực sự vững chắc. Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, đột phá chiến lược nhìn chung chưa đáp ứng được  yêu cầu của nền kinh tế. Một số vấn đề xã hội bức xúc vẫn còn  chưa được giải quyết khắc phục...

Mặc dù không ít hạn chế, yếu kém, nhưng những thành tựu kinh tế - xã hội 2011-2015 là không thể phủ nhận.Đây là những thành tựu rất quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Điều này được khẳng định qua các báo cáo đánh giá nhận định không chỉ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội mà còn của các tổ chức quốc tế trên thế giới.

Trên Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam – VDPF 2015 vừa được tổ chức đầu tháng 12/2015 tại Hà Nội, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhìn nhận: Việt Nam đã đạt được thành công 5 năm đầu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và đang chuẩn bị cho các quyết định mang tính chiến lược và chính trị quan trọng; trong đó đề ra những định hướng ưu tiên cho nửa sau của Chiến lược với các nhiệm vụ được thực hiện vào đầu năm 2016.

Đóng góp không nhỏ của Chính phủ

Để có được những thành quả trên, các đại biểu Quốc hội khóa XIII đã khẳng đinh  phần đóng góp không nhỏ từ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng, ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Bước vào năm 2010, khi kinh tế thế giới và trong nước có xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hàng Nghị quyết số 18 về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô với chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng hơn. Đầu năm 2011, trước nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng tăng, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Nghị quyết số 98/2015/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII nêu rõ: Trong năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát, dự kiến đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu kế hoạch. Các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu.

Nổi bật là việc ban hành Nghị quyết 19 về nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp với nhiều nội dung rất cụ thể,  góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, cải cách thể chế, cải cách hành chính, tư pháp, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh chuyển biến tích cực.

Những nhận định này cũng được khẳng định tại dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ 13 năm 2016.

 Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô bắt đầu từ năm 2011 của Việt Nam đã mang lại kết quả rất khả quan. Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong các năm qua, với mức lạm phát giảm xuống một con số trong thời gian khá dài. Tăng trưởng GDP hồi phục nhờ tăng trưởng xuất khẩu và dùng vốn FDI tăng mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt tiến bố đáng kể trong cải cách cơ cấu kinh tế, đặc biệt trong ngành ngân hàng.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đưa ra nhận xét: Tỷ lệ nghèo giảm đáng kể trong vòng 2 thập kỷ qua là thành công của các cuộc cải cách theo hướng thị trường và chính trị ổn định của  Việt Nam. Trước tác động của suy thoái toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chương trình kích thích tài chính và tiền tệ, nhưng gần đây đã kịp thời chuyển đổi sang chính sách cân bằng hơn. Nhờ đó Việt Nam đã vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu 2009; đồng thời đạt mức tăng trưởng bình quân cao hơn so với các quốc gia tương đương trong khu vực trong giai đoạn 2011-2015.

Những đánh giá. nhìn nhận trên của cộng đồng quốc tế cũng như từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, đại biểu Quốc hội đang khích lệ và thúc đẩy Chính phủ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mục tiêu phát triển 5 năm tới (2016-2020) của Việt Nam là phải triển nhanh hơn, bền vững hơn 5 năm trước (2011-2015).

Nam Minh
Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh sau COP 21
Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh sau COP 21

Chiều 16/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi họp báo công bố về kết quả hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, gọi tắt là COP21 vừa kết thúc tại Paris.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN