Trong “Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng” diễn ra tại Hà Nội chiều 21/7, đại diện nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đã bày tỏ sự cần thiết phải chú trọng xây dựng văn hóa song hành cùng kinh tế trong thời kỳ mới.
Đồng chí Vũ Tiến Lộc, Bí thư Đảng đoàn , Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Dân vận Trung ương Đảng tổ chức, các ý kiến cho rằng từ trước đến nay, Việt Nam chỉ quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật mà chưa chú trọng xây dựng lĩnh vực văn hóa. Nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa xã hội để đảm bảo xã hội phát triển bền vững cần được bổ sung vào dự thảo các văn kiện trình đại hội XII của Đảng.
Theo các đại biểu, phải gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa bởi hiện nay văn hóa chưa phát triển tương ứng với sự phát triển của kinh tế. Chúng ta đang phải trả giá vì chỉ chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, mà ít quan tâm đến con người. Tội phạm càng ngày càng trẻ, ngày càng nghiêm trọng và man rợ. Đây chính là vì chúng ta không quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa xã hội.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng mặc dù nói rất nhiều về văn hóa, nhưng chúng ta chưa tập trung vào văn hóa lao động. Đại hội Đảng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến văn hóa lao động, đảm bảo ngày làm tám tiếng, tránh việc tạo ra một đất nước chỉ biết ăn chơi, thích ngồi mát ăn bát vàng, đi làm muộn, nghỉ sớm.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang chạy theo văn hóa bằng cấp. Tuy nhiên tình trạng một người có nhiều bằng cấp, chứng chỉ nhưng làm việc không hiệu quả không phải là chuyện hiếm. Các đại biểu kiến nghị phải đẩy mạnh việc học đi đôi với hành, việc học phải thật, bằng cấp phải thật. Có như vậy mới có thể tạo ra hiệu quả trong quá trình công tác.
Nóng bỏng công tác tổ chức cán bộ
Các đại biểu đánh giá, theo đại hội VI, công tác tổ chức cán bộ đang hết sức nóng bỏng và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, sai lầm của mọi sai lầm. Và câu chuyện tổ chức cán bộ này vẫn đang rất nóng bỏng, và thực tế nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng không nên chạy theo bằng cấp để bổ nhiệm cán bộ. Chỉ những người có tâm huyết, có tài mới nên được tiếp tục đào tạo, tránh đào tạo nhiều cán bộ nhưng hiệu quả công tác mang lại không cao. Những người có phẩm chất tốt, đạo tốt mới được sắp xếp vào bộ máy nhà nước, và cương quyết xử lí cán bộ sai phạm, tránh tình trạng “người nhà nước” giữ chức nên xử lý hết sức khó khăn.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị. |
Các ý kiến cũng đánh giá hiện nay có một độ vênh rất lớn giữa chủ trương đường lối của đảng và sự triển khai thực thi ở các cơ quan hoặc ở các cơ quan tham mưu nhà nước. Tình trạng này cần phải được khắc phục trong thời gian tới. Nhiều chủ trương của Đảng, nhà nước tuy rất kịp thời, đúng, hay nhưng không đi vào cuộc sống hoặc đi vào cuộc sống rất chậm. Đây chính là điểm nghẽn, cản trở doanh nghiệp hoạt động. Hoặc có tình trạng các văn bản của nhà nước rất nhiều, nhưng sự thực hiện đôi lúc sai sót, nhiều khi trái ngược.
Trên thực tế, Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên bộ máy quản lý nhà nước hầu như không thay đổi trong suốt 30 năm qua 1986-2016. Có ý kiến đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân vì sao bộ máy nhà nước càng cải cách lại dường như càng cồng kềnh, việc tinh giảm biên chế không đạt được kết quả như kỳ vọng, việc tham gia của người dân và doanh nghiệp trong xây dựng chính sách, pháp luật còn chưa nhiều và chưa có hiệu quả.
Việc hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là nội dung có nhiều ý kiến khác biệt. Theo ý kiến doanh nghiệp, một nền kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường không thể có vai trò chủ đạo là kinh tế nhà nước.
Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy kinh tế nhà nước chiếm giữ nhiều nguồn lực nhất của đất nước, nhưng bảo thủ, trì trệ, tham ô, lãng phí và không có hiệu quả. Nên chăng nền kinh tế thị trường vận hành bằng các quy luật của kinh tế thị trường, chỉ theo định hướng XHCN, tức là hướng theo các mục tiêu của XHCN thể hiện trong phân phối và phân phối lại nhằm đảm bảo các mục tiêu đẹp đẽ của XHCN, khi đó kinh tế nhà nước cũng chỉ đóng vai trò là quan trọng thôi.
Theo các doanh nghiệp, khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa” chưa có tiền lệ, và vì vậy cần được làm rõ, tránh cách hiểu chung chung, mù mờ. Tránh tình trạng “doanh nghiệp nhà nước đi đầu”, song thực chất “đi đầu là biết đi đâu, đi đâu chẳng biết đi đầu cứ đi”.
Các đại biểu có ý kiến, phải xóa bỏ tình trạng phân biệt tư nhân hay nhà nước, thực hiện sòng phẳng, để mỗi loại hình doanh nghiệp phát huy vai trò, thế mạnh. Thực tế cho thấy doanh nghiệp tư nhân càng phát triển càng giảm gánh nặng cho nhà nước. Do đó, các ý kiến đề nghị để lại những doanh nghiệp nhà nước mang tính chủ đạo, đồng thời mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện đảm nhận những lĩnh vực quan trọng.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đề đạt ý kiến cần giải quyết tình trạng "doanh nghiệp Việt Nam nuôi hoài không lớn" cũng như việc có mặt trong chính trường của doanh nghiệp còn ít và yếu. Nhà nước cần quan tâm vinh danh các doanh nhân, người có đóng góp cho xã hội để tạo cảm hứng cho giới trẻ, khuyến khích những người chưa giàu vươn lên làm giàu, đóng góp cho xã hội.
Ghi nhận và cảm ơn đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đã quan tâm, tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, đồng chí Vũ Tiến Lộc – Bí thư Đảng đoàn – Chủ tịch VCCI cùng đồng chí Trần Thị Bích Thủy – Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, cam kết trung thành với ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, cũng như bày tỏ kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến một thời kỳ đổi mới, phát triển trong tương lai.
“Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng” là hội nghị quan trọng nhằm tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần xây dựng đường lối, chính sách của Đảng nói chung, đặc biệt là đường lối, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh mới.