Gỡ khó để phát triển nông nghiệp sạch bền vững

Diện tích lúa, trái cây, rau màu, thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vẫn còn khiêm tốn. Rất nhiều mô hình thực nghiệm ở quy mô nhỏ thành công, nhưng khi nhân rộng lại thất bại. 

Nguyên nhân nào đang khiến cho người nông dân chưa muốn sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP, Global GAP?

Diện tích còn khiêm tốn

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh có hơn 70.800 ha trồng cây ăn trái; trong đó có gần 300 ha sản xuất theo GAP và mới có khoảng 250 ha được chứng nhận Việt GAP, Global GAP. Đây là diện tích còn khá khiêm tốn bởi tập quán canh tác cũ của người dân chưa bỏ được. Điều đặc biệt, các sản phẩm sản xuất theo GAP làm ra không được thương lái đánh giá đúng giá trị. Người tiêu dùng chưa chú trọng các thực phẩm sạch. Thêm nữa là không có hệ thống bán lẻ thực phẩm sạch theo GAP ở địa phương.

Nhờ trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP đã cho nông dân Tiền Giang năng suất cao. Ảnh: Minh Trí - TTXVN


Thực tế, đã có nhiều mô hình sản xuất theo GAP thành công, nâng cao giá trị hàng hóa, người nông dân có lãi hơn 20% so với trồng theo cách truyền thống. Thế nhưng sau khi không còn được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, bao tiêu hàng hóa... người dân phải tự tiêu thụ thì không bán được sản phẩm với giá trị thực, dẫn đến thua lỗ. Rất nhiều mô hình sản xuất trái cây, rau an toàn ở Đồng Tháp, Tiền Giang người nông dân không còn đủ sức xin tái chứng nhận GAP. Trong khi đó, người tiêu dùng lại không thể phân biệt đâu là hàng hóa sản xuất theo GAP, đâu là sản phẩm không an toàn, dẫn tới chất lượng bị đánh đồng.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua Đồng Tháp cũng đã có nhiều mô hình sản xuất theo GAP thành công, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ, dạng mô hình khảo nghiệm. Thành công bởi ban đầu người nông dân được hỗ trợ kinh phí thực hiện, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu hết, nay không còn được hỗ trợ nữa, nông dân lúng túng. Theo ông Công cái khó là không có nơi bán sản phẩm sản xuất theo GAP. Bên cạnh đó, thời gian chứng nhận quá ngắn (chỉ 1 năm), nên họ rất khó khăn về kinh phí xin cấp chứng nhận Việt GAP hay Global GAP. Ngoài ra, sự thiếu nỗ lực của nông dân cũng là nguyên nhân khiến sản xuất mô hình GAP chưa được thành công như mong đợi.

Hợp tác xã trồng lúa Mỹ Thành ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được xem là đơn vị đi đầu trong việc thực hành nông nghiệp tốt ở phía Nam. Với 175 hộ góp vốn, hợp tác xã được đánh giá là thành công khi áp dụng quy trình sản xuất cây lúa theo tiêu chuẩn quốc tế (Global GAP) trên diện tích 100 ha và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 20%. Tuy nhiên, hiện nay Hợp tác xã Mỹ Thành cũng rơi vào tình trạng gần như phá sản vì không đủ khả năng tái chứng nhận Global GAP và doanh nghiệp không còn bao tiêu sản phẩm.

Cần sự hỗ trợ và giám sát

Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, để tiến tới nền nông nghiệp sản xuất sạch, bền vững, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng GAP nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp sẽ hỗ trợ kinh phí 100% cho công tác đào tạo, dạy nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, sơ chế sản phẩm theo quy định của các quy chuẩn kỹ thuật; hỗ trợ một lần (100%) kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP. Đồng Tháp xác định có 5 mặt hàng chủ lực của tỉnh đó là cây lúa, trái cây, hoa cảnh, thủy sản và chăn nuôi vịt. Cả 5 mặt hàng chủ lực này sẽ dần tiến tới sản xuất đồng loạt theo quy trình GAP, nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hiện ở Đồng Tháp có các mặt hàng quýt hồng ở huyện Lấp Vò, xoài cát chu ở huyện Cao Lãnh là những mặt hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan, Australia... đều được sản xuất theo quy trình GAP.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh Tiền Giang đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, thủy sản và lúa theo hướng chất lượng cao. Tỉnh tập trung đầu tư cho các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản theo quy trình Việt GAP, Global GAP để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nông sản sạch trong nước.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, Nhà nước cần hỗ trợ 100% phí chứng nhận GAP ban đầu, sau đó giảm xuống còn 75%... và cứ thế giảm dần, sau đó để nông dân tự lo. Điều quan trọng là phải làm sao để các doanh nghiệp chia sẻ quyền lợi với nông dân. Bên cạnh đó, chính quyền phải tổ chức lại sản xuất (thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã), sau đó liên kết các hợp tác xã và gắn kết doanh nghiệp để lo đầu ra, tốt nhất là gom về một mối theo từng vùng, từng cây. Nhà nước phải thật sự vào cuộc hỗ trợ và giám sát. Có như vậy, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP mới thật sự bền vững.

Thái Nguyên
Tiền Giang tìm giải pháp cho nông nghiệp sạch

Dự án nhằm giảm thiểu môi trường do chất thải nông nghiệp thông qua mở rộng và phát triển chương trình khí sinh học, tạo nguồn năng lượng sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN