Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, điều này đang tạo ra thời cơ để các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các DN chuyên cung cấp nguyên liệu, linh kiện ngành công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... để gia nhập thị trường thế giới.
"Để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển và tận dụng cơ hội trong mùa dịch bệnh, Chính phủ đã đề ra ba giải pháp đột phá: đột phá về thể chế, về nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển hạ tầng công nghệ. Trong giải pháp đột phá về hạ tầng công nghệ, Chính phủ lại chú trọng đẩy mạnh đột phá trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Bởi ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển như: nguồn nguyên liệu phong phú, nhân công khá dồi dào và giá rẻ, năng suất lao động đang tăng theo các năm…", ông Nguyễn Anh Thi cho biết.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, mở rộng thị trường nhằm khai thác hết tiềm năng của DN trong ngành trong và sau mùa dịch bệnh COVID-19. Chẳng hạn, Thành phố đã ban hành các chính sách hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm với mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án; kết nối cung cầu sản phẩm giữa DN của thành phố với các DN đầu cuối, DN thuộc lĩnh vực FDI, các DN nước ngoài với các nhà cung cấp trong nước; giúp DN nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với các tập đoàn kinh tế nước ngoài…