Thị trường thế giới phản ứng tích cực với quyết định của FED

Chứng khoán thế giới phủ sắc xanh và các mặt hàng chủ chốt như vàng, dầu mỏ tăng giá là những phản ứng tích cực đầu tiên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất cho vay chủ chốt.

Các giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York. Ảnh: AFP/TTXVN

FED cũng đồng thời phát đi tín hiệu rằng thể chế này vẫn sẽ theo đuổi lộ trình nâng lãi suất một cách từ từ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3, các thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đồng loạt tăng điểm, trong khi đồng USD xuống giá.

Giá dầu tăng cũng là nhân tố góp phần nâng giá cổ phiếu ngành năng lượng. Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% lên 20.950,10 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 2.385,26 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng thêm 0,7% lên 5.900,05 điểm.    

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) nhích 0,2% lên 7.368,64 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) cộng thêm 0,2% lên 12.009,87 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng tăng 0,2% lên 4.985,48 điểm.   
 
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD được giao dịch ở mức 113,42 yen/USD so với mức 114,77 yen/USD trước đó, còn đồng bảng Anh đứng ở mức 1,2292 USD/bảng Anh so với mức 1,2151 USD/bảng trong phiên trước.    

Trong khi đó, giá vàng và dầu mỏ cũng chuyển động theo hướng đi lên. Khép lại phiên giao dịch ngày 15/3, giá vàng giao ngay tăng hơn 1,5% lên mức cao nhất trong một tuần qua. Rạng sáng ngày 16/3 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,6% l ên 1.217,81 USD/ounce sau khi tăng lên mức 1.219,36 USD/ounce - mức "đỉnh” kể từ phiên 7/3. Trong khi  đó, giá vàng giao tháng 4/2017 giảm 0,2% xuống còn 1.200,7 USD/ounce.  

Trong phiên giao dịch ngày 15/3, giá dầu thế giới phục hồi lần đầu tiên trong hơn một tuần qua. Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) tăng 1,14 USD (2,4%), lên 48,86 USD/thùng, đánh dấu phiên lên giá đầu tiên của mặt hàng này trong tám ngày qua.

Trước đó, trong phiên 14/3, giá dầu WTI đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/2016. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tiến 89 xu Mỹ (1,8%), lên 51,81 USD/thùng, cũng là phiên tăng giá đầu tiên trong vòng bảy ngày qua. Phiên 14/3, giá dầu Brent cũng chạm mức thấp nhất kể từ ngày 30/11/2016.


Như dự đoán, FED đã nâng lãi suất lên 0,75-1%, đánh dấu một nỗ lực lớn của cơ quan này nhằm đưa chính sách tiền tệ của Mỹ trở lại mức cân bằng hơn sau gần một thập kỷ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2008.

Tuy nhiên, thể chế tài chính này không đề cập đến việc sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất như đồn đoán của một số chuyên gia. Trong dự báo kinh tế hàng quý của mình, FED vẫn xem xét sẽ nâng lãi suất lên 1,4% vào cuối năm 2017, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa.

Trong lần tăng lãi suất đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump, FED không nhắc đến khả năng lãi suất sẽ tăng nhanh hơn nếu Nhà Trắng thúc đẩy các chính sách ủng hộ tăng trưởng, trong đó có các chương trình chi tiêu và cắt giảm thuế. Nếu không có gì thay đổi, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình nâng lãi suất hai lần nữa trong năm 2017 và ba lần trong năm 2018.

TTXVN/Tin Tức
Lãi suất cơ bản Mỹ tăng thêm 0,25 điểm phần trăm
Lãi suất cơ bản Mỹ tăng thêm 0,25 điểm phần trăm

Chiều 15/3 theo giờ Mỹ (sáng sớm nay theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 0,75-1,0%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN