Thi công xuyên Tết trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, phóng viên báo Tin tức có mặt trên công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ghi nhận không khí thi công khẩn trương, xuyên Tết 3 ca/ngày của cán bộ, công nhân, lao động, để đảm bảo tiến độ dự án đã gần 10 năm “ì ạch” vì thiếu vốn.

Hàng chục công nhân, cán bộ kỹ thuật, tư vấn, giám sát… đang tham gia thi công trên công trường những ngày này, đều nén nỗi nhớ nhà, nhớ quê, hăng say, miệt mài làm việc, đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long mong cao tốc thông tuyến vào cuối năm 2020, tạo điều kiện thông thương, phát triển kinh tế xã hội toàn vùng.

Chú thích ảnh
Tập kết sắt thép thi công bản mặt cầu Phú Nhuận.
Chú thích ảnh
Cẩu các tấm thép thi công đường găng.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km, đi qua tỉnh Tiền Giang. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, tiếp nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 30 thuộc huyện Cái Bè. Tổng mức đầu tư dự án đã điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Kiểm đếm khối lượng sắt thép đan dầm mặt cầu.

Anh Hoàng Văn Đức, quê Nghệ An, công nhân thi công gói thầu cầu Phú Nhuận vui vẻ chia sẻ: “Để đảm bảo tiến độ thi công theo chỉ đạo của Ban Quản lý dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, gói thầu được phân công thi công 3 ca/ngày: Từ 6 giờ 30 phút đến 18 giờ, từ 18 giờ đến 23 giờ, từ 23 giờ đến 6 giờ 30 phút hôm sau và thi công xuyên Tết không nghỉ. Dự án đến thời điểm này đã chậm 10 năm so với mong mỏi của người dân địa phương. Vì vậy, ngay sau khi được Đảng, Nhà nước, địa phương giải ngân vốn, anh em công nhân đều mong muốn đóng góp công sức thi công, đảm bảo tiến độ, kể cả làm việc xuyên Tết để có tiền công gửi về cho gia đình…”.

Chú thích ảnh
Lu lèn gia tải bề mặt cát, chống lún trên tuyến.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Hồ Minh Hoàng, hồ hởi, tất cả từ lãnh đạo đến công nhân lao động dự án ứng trực thi công trên công trường năm nay đều không có Tết sum họp gia đình, nhưng mọi người đều đồng lòng ở lại công trường, vì công trường cũng là nhà. Tất cả đều hướng đến nhiệm vụ lớn lao hơn là không lỗi hẹn với hàng triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long, thi công thần tốc để dự án về đích đúng hẹn cuối năm 2020 thông tuyến, năm 2021 thông xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Đo đạc vẽ bản đồ thiết kế.

“Việc thi công xuyên Tết đã được dự án chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, an toàn và có cả chương trình vui Xuân đón Tết cho công nhân ngay trên công trường, để toàn bộ cán bộ, công nhân lao động hưởng không khí Tết như đón Tết ở nhà”, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nói.

Chú thích ảnh
Đan dầm thép.
Chú thích ảnh
Đổ bê tông mố cầu.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công tháng 11/2009 và liên tục gặp khó khăn, phải hoãn, giãn tiến độ do vướng mắc về vốn, giải phóng mặt bằng và "dậm chân tại chỗ" gần 10 năm qua. Thời điểm khởi công, Bộ Giao thông Vận tải đã ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dự án về tỉnh Tiền Giang theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh một đoạn tuyến cao tốc với các hạng mục thi công.

Sau 10 năm liên tục đình trệ, hiện dự án đã khởi động lại 24/24 gói thầu xây lắp trên toàn tuyến, đạt khoảng 30% tổng khối lượng thi công. Tỉnh Tiền Giang hiện đã giải phóng mặt bằng dự án được gần 100%. Dự án do Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Tập đoàn Đèo Cả) làm đại diện Ban quản lý dự án thi công.

Đầu tháng 12/2019, tỉnh Tiền Giang đã nhận được nguồn vốn bổ sung của Trung ương 2.186 tỷ đồng và hiện đã giao vốn cho doanh nghiệp dự án. Trong đó, hoàn ứng kinh phí cho doanh nghiệp dự án hơn 1.400 tỷ đồng, hoàn ứng ngân sách tỉnh gần 280 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được đầu tư cho các hạng mục khác của dự án.

Video anh Hoàng Văn Đức chia sẻ về việc thi công xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo ghi nhận của phóng viên, toàn tuyến có trên 50 cây cầu đã ra "hình hài", 40 km nền đất yếu đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Đây cũng là những hạng mục phức tạp, xử lý mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí khi phải gia tăng mật độ bấc thấm và tăng độ dày lớp cát để hút ép nước ra khỏi nền đất yếu, giúp nền đất cố kết vĩnh cửu.

Trao đổi về tiến độ thi công, ông Nguyễn Tấn Đông cho hay, trong năm 2020, dự án tiếp tục đẩy nhanh các hạng mục thi công chính như: Nền đường, xử lý nền đất yếu, thi công cống, cầu, mặt đường, trung tâm điều hành giao thông và trạm thu phí.

Đến giữa tháng 2/2020 công tác cắm bấc thấm hoàn thành, đắp nền và đắp bao hoàn thành vào giữa tháng 6/2020, cấp phối đá dăm hoàn thành vào giữa tháng 12/2020, xử lý nền đất yếu sẽ kết thúc toàn bộ vào giữa tháng 10/2020. Còn hạng mục cầu thì phần móng sẽ hoàn thành trong tháng 3/2020, mố, trụ cầu hoàn thành vào cuối tháng 7/2020, kết cấu phần trên sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11/2020. Riêng hạng mục cống hoàn thành vào giữa tháng 12/2020...

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần quan trọng giảm tải cho quốc lộ 1A.

Tiến Hiếu - Huy Hùng/Báo Tin Tức
Khai thông dòng vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Khai thông dòng vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Sáng 16/12, tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện tín dụng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT với Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN