Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật theo dõi sát tình hình diễn biến sâu bệnh ở các tỉnh phía Nam và miền Trung để có biện pháp phòng chống kịp thời, nhất là trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2013. Phun thuốc trừ sâu.
Nguồn InternetTheo đó, hoạt động trọng tâm ngành Bảo vệ thực vật (BVTV) là bám sát đồng ruộng, phát hiện sớm và thực hiện tốt việc tập trung đề phòng, ngăn chặn rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tái xuất hiện trên lúa; đồng thời phát hiện kịp thời và chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng trừ sâu bệnh trên mạ xuân sớm, lúa gieo thẳng ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ, lúa Đông Xuân ở các tỉnh vùng Duyên Hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Trong tháng 1, thống kê tình hình sâu bệnh chủ yếu phát sinh trên lúa của Cục BVTV là các loại như sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, bệnh đạo ôn lá. Cụ thể, tổng diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ là 45.566 ha, trong đó nhiễm nặng 111 ha, mật độ phổ biến từ 10-20 con/m2 ,nơi cao trên 40 con/m2 tập trung chủ yếu tại Nam Bộ và Nam Trung bộ. Rầy các loại: Tổng diện tích nhiễm 61.551 ha, trong đó nhiễm nặng 3.541 ha, mật độ phổ biến từ 750-2.000 con/m2, cao trên 3.000 con/m2 tập trung tại Nam Bộ và Nam Trung bộ.
Với bệnh đạo ôn lá, tổng diện tích nhiễm 88.968 ha, trong đó nhiễm nặng 1.418 ha, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 3-10%; nơi cao từ 20-30%, tập trung tại các tỉnh Nam Bộ.
Cục BVTV cũng lưu ý các địa phương đặc biệt chú ý phát hiện phòng trừ sớm đối với các đối tượng hại lúa nguy hiểm là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen. Đối với bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, kết quả giám định mẫu cho thấy trong tổng số 88 mẫu rầy tại Đồng Tháp không có mẫu nào dương tính với virut gây bệnh. Riêng tại Sơn La bệnh lùn sọc đen xuất hiện trên lúa chét.
Một số đối tượng khác như: chuột, ốc bươu vàng, nhện gié, bọ trĩ, bệnh bạc lá, bệnh lem lép hạt, sâu phao, sâu keo, tuyến trùng rễ,... phát sinh cục bộ, gây hại nhẹ trên địa bàn cả nước.
Hoàng Tùng