Ông Nakagawa Motohisa, đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản nêu vấn đề, Nghị định 38/2012ND-CP của Chính phủ Việt Nam quy định chi tiết về Luật An toàn thực phẩm Việt Nam đã quy định thực phẩm nhập khẩu là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu được miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên một số đơn vị dịch vụ vận tải tại Việt Nam lại yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản phải kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các mẫu thực phẩm có trọng lượng trên 5 kg. Do vậy khi nhập khẩu mẫu thực phẩm doanh nghiệp phải tiến hành kiểm tra trước tại cơ quan kiểm tra của Nhật Bản hoặc nhập số lượng ít để kiểm tra tại Việt Nam, sau đó mới nhập đủ số lượng mẫu để thử nghiệm. Điều này làm tốn chi phí, thời gian của các doanh nghiệp Nhật Bản và cản trở hoạt động nghiên cứu phát triển của Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, tất cả hàng hóa khi lưu thông tại Việt Nam đều phải được công bố hợp quy về mặt chất lượng, thực phẩm phải được công bố an toàn thực phẩm. Tuy nhiên đối với các mẫu thực phẩm phục vụ cho việc thử nghiệm và nghiên cứu thì được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Hiện nay, Việt Nam cũng không có quy định cụ thể nào về khối lượng mẫu thực phẩm được miễn kiểm tra, số lượng hay khối lượng mẫu sẽ tùy vào từng loại thực phẩm cụ thể và mục đích sử dụng của doanh nghiệp nhập khẩu.
Chương trình kết nối cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm với 30 doanh nghiệp đến từ khắp các tỉnh thành của Nhật Bản về thực phẩm, nông lâm, thủy sản. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, để được nhập mẫu thực phẩm, doanh nghiệp phải cam kết sử dụng đúng mục đích đã nêu ra ban đầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam nếu sử dụng sai mục đích. Đối với các doanh nghiệp đang bị áp dụng sai quy định nên có phản ánh chính thức đến cơ quan chức năng của Việt Nam để được hướng dẫn và xử lý một cách cụ thể.
Về yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với thực phẩm chế biến, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, khi đăng ký kiểm dịch thực vật đối với thực phẩm chế biến phía Việt Nam yêu cầu phải có cả giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan kiểm dịch có thẩm quyền của nước xuất khẩu, kể cả những thực phẩm đã qua chế biến như nguyên liệu đậu rán đông lạnh, bột quả hồng đông lạnh, hành chế biến sấy lạnh… là không cần thiết.
Theo các doanh nghiệp thì tại Nhật Bản chất lượng nguyên liệu sản xuất thực phẩm được quản lý rất nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến, xử lý nhiệt trước khi đóng gói cũng đảm bảo các thực phẩm nguồn gốc thực vật không phải là nguồn xâm nhập và gây sâu bệnh có hại cho thực vật khác. Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn phía Việt Nam xem xét đưa thực phẩm chế biến từ thực vật của Nhật Bản ra khỏi danh sách cần kiểm dịch thực vật.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với thực phẩm chế biến công nghệ cao và được đóng gói kín thì Việt Nam đã loại bỏ yêu cầu kiểm dịch thực vật. Khi nhập khẩu, phía doanh nghiệp cần cung cấp chính xác mã hàng hóa để được áp dụng quy định phù hợp.
Ngoài ra, đối với các các thực phẩm chế biến nhưng không được đóng gói kín thì khả năng phát sinh các loại côn trùng, mối mọt trong quá trình bảo quản là có thể. Do đó Việt Nam vẫn áp dụng kiểm dịch thực vật.
Bên cạnh các vướng mắc về thủ tục, các doanh nghiệp Nhật Bản trồng rau và hoa quả tại Đà Lạt cũng phản ánh tình trạng phát tán thuốc nông nghiệp nồng độ cao từ các nông trại trồng hoa và cây trồng khác đang ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng và độ an toàn của sản phẩm rau và hoa quả được trồng theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Các doanh nghiệp này mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam có giải pháp hỗ trợ giải quyết tình trạng trên để đảm bảo chất lượng nông sản cũng như sức khỏe cho người lao động trong các nông trại này.
Theo ông Lê Sơn Hà, vấn đề phát tán thuốc nông nghiệp giữa các nông trại là hiện tượng khó tránh khỏi trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn khá manh mún và nhỏ lẻ.
Trước mắt, khi phát hiện có sự phát tán thuốc nông nghiệp thì doanh nghiệp Nhật Bản nên phản ánh trực tiếp cũng như phối hợp với các nông trại xung quanh và cơ quan chức năng địa phương để đàm phán cách khắc phục hiệu quả nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể áp dụng một số giải pháp như mở rộng quy mô sản xuất, quy hoạch vùng trồng hợp lý, cách ly vùng cây trồng dùng làm thực phẩm và các cây trồng khác.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đang thực hiện lộ trình loại bỏ dần các loại thuốc nông nghiệp có độc tố cao, ảnh hưởng tới sức khỏe con người khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phù hợp hơn với những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phổ biến trong khu vực và quốc tế.
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP Hồ Chí Minh đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của các bộ, ngành Việt Nam đối với những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải. Việc trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu hơn về các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, từ đó có thể yên tâm mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.