"Trước đây, mỗi lần muốn chuyển tiền đều phải nhờ người khác vì tôi không có tài khoản ngân hàng hoặc phải đi rất xa, nếu tài khoản mình nhờ không có tiền thì cũng chịu. Nhưng nay mọi việc đều trở nên đơn giản vì từ khi sử dụng ví điện tử, việc chuyển tiền, nạp tiền hay rút tiền đều dễ dàng", anh chia sẻ.
Câu chuyện của chàng thanh niên dân tộc Tày cho thấy các phương thức thanh toán hiện đại đang dần đi sâu vào cuộc sống, lan tỏa tới tận vùng sâu, vùng xa, góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân.
Theo đánh giá của bà Bùi Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm thanh toán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mặc dù đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể, nhưng phạm vi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt mới dừng ở các khu vực kinh tế phát triển như: đô thị, các tỉnh, thành phố lớn, còn tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn phổ biến. Ngoài thói quen tiêu dùng tiền mặt, nguyên nhân là do tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ và phương thức thanh toán mới; tính an ninh, bảo mật..., nhất là đối với những người lớn tuổi.
Do đó, dù dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao và là phân khúc khách hàng cởi mở, sẵn sàng tiếp xúc với công nghệ cùng sự phát triển của thương mại điện tử đang tạo thuận lợi cho ngân hàng phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng hiện nay việc triển khai vẫn còn chậm chạp.
"Về phía ngân hàng, để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cần khoản kinh phí không nhỏ mà không phải ngân hàng nào cũng đủ khả năng đáp ứng. Trong khi đó, phí thu được từ dịch vụ hiện ở mức thấp nên chưa dủ bù đắp cho các khoản đầu tư này", bà Lan Anh chia sẻ.
Liên quan đến câu chuyện đầu tư cơ sở hạ tầng, dường như các doanh nghiệp viễn thông khi tham gia làm Fintech (công nghệ tài chính) lại đang chiếm ưu thế với mạng lưới viễn thông sẵn có, phủ sóng khắp các tỉnh, thành phố và tới từng thôn, xóm, biên giới, hải đảo.
Đề cập vấn đề này, ông Trần Duy Diễn, Phó Giám đốc Trung tâm Fintech - Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết: "Ngân hàng số ViettelPay ra đời sau khi hệ thống ngân hàng đã phát triển. Tuy nhiên, các ví điện tử cũng như các hình thức thanh toán qua ngân hàng khác mới được khai thác chủ yếu ở khu vực thành thị, còn vùng nông thôn vẫn bỏ ngỏ. Do vậy, Viettel lựa chọn cách mang các dịch vụ ngân hàng trở lại nông thôn, phục vụ người dân. Trong quá trình xây dựng và triển khai, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về khoảng cách địa lý, trình độ dân trí, nhưng nhờ mạng lưới sâu rộng cùng thương hiệu Viettel thân thuộc nên khi ViettelPay ra đời đã được người dân tin tưởng".
Đánh giá về những áp lực khi ngày càng nhiều các dịch vụ thanh toán ra đời bởi các công ty Fintech và doanh nghiệp viễn thông làm Fintech, bà Lan Anh cho rằng: "Áp lực luôn tồn tại, nhất là khi ngoài Fintech còn có sự vào cuộc của doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, nhiều hệ thống thanh toán như Napas, Visa, SamsungPay… đều cần sự kết hợp giữa ngân hàng và Fintech. Đặc biệt, việc cung ứng giải pháp mới của Fintech sẽ giúp ngân hàng đa dạng hóa giải pháp thanh toán của mình".
Ông Diễn nhận định thêm: "Sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi, nhưng trong câu chuyện kinh tế số, Viettel lựa chọn làm hạ tầng, xây dựng hạ tầng nhằm phủ sóng rộng khắp dịch vụ tại vùng sâu, vùng xa và chia sẻ hạ tầng này với doanh nghiệp. Không ai khác chính người dân là người được hưởng thành quả của công nghệ và dòng tiền dịch chuyển giữa nông thôn và thành thị nhanh hơn. Từ đó thay vì phải đi vay nặng lãi, người dân có thể tiếp cận được tài chính một cách chính thống".
Hướng đến nền kinh tế số, nếu như ngân hàng là một tổ chức đầy kinh nghiệm và chuyên nghiệp trong các hoạt động thanh toán, giao dịch; công ty Fintech là các startup trẻ, năng động, cung cấp ra thị trường nhiều ứng dụng thanh toán tiện ích thì các doanh nghiệp viễn thông làm Fintech lại cung cấp dịch vụ Fintech dựa trên hạ tầng viễn thông, kênh phân phối, dữ liệu nhà mạng. Tuy mỗi đối tượng sở hữu những ưu thế riêng, nhưng chính sự phối hợp này mới tạo ra giá trị tốt nhất, giúp thanh toán không dùng tiền mặt dần "phủ sóng" đến tận vùng quê.