Thanh Hóa phát hiện bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa

Ngày 15/8, ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa cho biết, liên quan đến diện tích lúa ở xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước bị nhiễm bệnh lùn sọc đen phương Nam, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Bá Thước khoanh vùng diện tích 9 ha lúa vụ mùa nghi nhiễm bệnh và đã bị bệnh để xử lý kịp thời theo quy trình phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa, tránh lây lan ra diện rộng.

Trước đó, qua kiểm tra đồng ruộng của ngành nông nghiệp huyện Bá Thước đã phát hiện trên diện tích giống Thái Xuyên 111 tại xã Kỳ Tân xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng di trú và gây hại cục bộ, nhận định đây là rầy di trú có khả năng mang virus gây bệnh lùn sọc đen phương Nam. Huyện Bá Thước đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa lấy 3 mẫu lúa gửi Trung tâm bảo vệ thực vật vùng khu 4 - Cục Bảo vệ thực vật để xét nghiệm và cho kết quả các mẫu lúa ở xã Kỳ Tân dương tính với virus lùn sọc đen phương Nam.

Để chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen phương Nam, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với huyện Bá Thước phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở xác định, phân loại trà lúa (theo thời gian trổ bông), điều tra, dự báo chính xác thời điểm, mức độ phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu bệnh. Đồng thời, xây dựng phương án phòng trừ, phối hợp với các xã, phường, thị trấn, thôn, bản tập trung tuyên truyền, giúp nông dân xác định rõ từng đối tượng sâu bệnh và biện pháp phòng trừ hiệu quả ngay từ khi còn ở diện hẹp, không để sâu bệnh lây lan thành dịch.

Bên cạnh đó, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa đã gửi công văn đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt phòng trừ sâu bệnh bảo vệ năng suất, sản lượng lúa vụ Mùa năm 2023 cũng như phối hợp với các địa phương điều tra, phát hiện, xác định mật độ rầy lưng trắng trên đồng ruộng để phun trừ rầy, thu bắt mẫu rầy lưng trắng trưởng thành và những cây lúa có biểu hiện thấp lùn, lá xanh đậm, xoắn lá... để gửi giám định virus lùn sọc đen phương Nam.

Bệnh lùn sọc đen Phương Nam là đối tượng rất nguy hiểm, chưa có thuốc phòng trừ, khả năng gây hại lớn và có nguy cơ phát sinh, lây lan, gây hại trên diện rộng nếu không được điều tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời, triệt để. Khi cây lúa bị nhiễm bệnh thường sinh trưởng kém, cây thấp lùn, có thể bị chết sớm, cây nhiễm bệnh nặng thường không trổ bông được hoặc trổ bông nhưng không thoát và hạt thường bị đen, không cho thu hoạch.

Trong vụ mùa năm 2018, bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa đã xuất hiện trên diện tích lúa lai F1 ở địa bàn Thành phố Sầm Sơn, các huyện Bá Thước, Quan Sơn, Thạch Thành, Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa).

Hoa Mai (TTXVN)
Nhiều nông dân Ấn Độ 'chia tay' lúa lai để trở về với giống truyền thống
Nhiều nông dân Ấn Độ 'chia tay' lúa lai để trở về với giống truyền thống

Varsha Sharma đã trải qua một số năm sóng gió trong nông trang nhỏ của bà ở bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Gia đình bà trồng lúa trong hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng mưa thất thường và nước được chuyển cho ngành công nghiệp khiến việc trồng lúa trở nên khó khăn hơn. Bảy năm trước, bà chuyển sang trồng lúa lai và cây táo, nhưng điều đó thậm chí còn gây ra những vấn đề mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN