Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 8.050 đồng/kg, giá bình quân là 7.786 đồng/kg, tăng 571 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng tăng trung bình 688 đồng/kg, ở mức 9.417 đồng/kg; giá cao nhất là 9.800 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng khá mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.850 đồng/kg, giá bình quân 14.633 đồng/kg, tăng 983 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 14.550 đồng/kg, giá bình quân 14.350 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 14.250 đồng/kg, giá bình quân 14.033 đồng/kg, tăng 958 đồng/kg.
Loại tấm 1/2 cũng tăng 986 đồng/kg, trung bình 11.350 đồng/kg; giá cao nhất là 11.600 đồng/kg. Đặc biệt, giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh với 1.288 đồng/kg, giá trung bình là 14.925 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tổng diện tích lúa cả nước khoảng 7,1 triệu ha; năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng trên 452.000 tấn so với năm 2022. Từ nay đến cuối năm nếu thời tiết không diễn biến bất thường thì sản lượng lúa sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 620 - 630 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, và tăng so với mức từ 590 - 600 USD/tấn trong tuần trước đó. Một nhà giao dịch tại TP Hồ Chí Minh cho hay hoạt động buôn bán bị hạn chế do các nhà xuất khẩu vẫn dự đoán giá gạo sẽ tăng hơn nữa.
Một thương nhân khác cho biết, các nhà xuất khẩu không ký hợp đồng xuất khẩu mới do giá gạo trong nước ngày càng đắt đỏ, khiến họ khó đảm bảo đủ nguồn cung cho các hợp đồng.
Không chỉ Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tại các "vựa lúa" châu Á tiếp tục nới rộng đà tăng mạnh trong tuần qua trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu gạo gần đây của quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ tiếp tục làm dấy lên lo ngại về nguồn cung mặt hàng lương thực thiết yếu này trên toàn cầu.
Giá gạo Thái Lan hiện đã tăng gần 20% giá trị kể từ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati trong tháng 7/2023. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 650 - 655 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, so với mức từ 627 - 630 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết nguồn cung gạo mới đã bị hạn chế. Trong khi một nhà giao dịch khác cho biết nhu cầu gạo từ khắp nơi trên thế giới đang tăng lên; trong đó có Indonesia, châu Phi và Philippines. Ông này cho rằng "có thể có nhiều nguồn cung gạo hơn, nhưng các nhà xay xát có thể giữ lại để sau đó bán với giá cao hơn".
Bên cạnh đó, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức kỷ lục từ 460 - 467 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức từ 450 - 455 USD/tấn của tuần trước do nhu cầu chuyển sang loại gạo này sau lệnh cấm đối với loại gạo non-basmati.
Một nhà xuất khẩu cho biết một số người đã mua gạo ở mức giá kỷ lục, vì các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan đang báo giá thậm chí còn cao hơn.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đều giảm trong phiên 11/8, dẫn đầu là ngô. Giá ngô giao tháng 12/2023 đã giảm 9 xu Mỹ (1,81%) xuống còn 4,8725 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2023 giảm 11 xu (1,72%) xuống 6,2675 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2023 giảm 10,75 xu (0,82%) xuống 13,075 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Báo cáo Vụ mùa Tháng Tám của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới (WASDE) công bố ngày 11/8 được đánh giá từ mức trung bình đến tích cực. Sản lượng ngô của Mỹ ước tính ở mức 175,1 bushel trên mẫu Anh (BPA) và đậu tương là 50,9 BPA, cả hai đều thấp hơn một chút so với dự kiến, do đó khiến lượng dự trữ hai loại cây trồng này cho giai đoạn 2023 - 2024 sụt giảm. Trong khi đó, xuất khẩu ngô và đậu tương cũng bị cắt giảm.
Sản lượng ngô năm 2023 của Mỹ ước đạt 15,111 tỷ bushel, giảm 210 triệu bushel so với tháng 7/2023. Dự trữ ngô cuối niên vụ 2022 - 2023 của Mỹ đã tăng thêm 55 triệu bushel lên 1,457 tỷ bushel do xuất khẩu ít đi 50 triệu bushel xuống còn 1,625 tỷ bushel và nhập khẩu tăng 5 triệu bushel. Dự trữ ngô cuối niên vụ 2023 - 2024 của Mỹ giảm 60 triệu bushel xuống còn 2,202 tỷ bushel do sản xuất và xuất khẩu giảm. Xuất khẩu ngô của Mỹ giai đoạn 2023 - 2024 ước đạt 2,050 tỷ bushel.
Báo cáo của WASDE nâng sản lượng ngô trong niên vụ 2022 - 2023 của Brazil lên 135 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn. Ước tính trữ lượng ngô thế giới trong giai đoạn 2023 - 2024 là 311,1 triệu tấn, tăng 13 triệu tấn so với năm ngoái. Sản lượng ngô của EU giảm 3,5 triệu tấn trong khi sản lượng ngô thu hoạch của Ukraine tăng 2,5 triệu tấn lên 27,5 triệu tấn. Vụ thu hoạch ngô năm 2024 của Brazil được dự đoán ở mức 129 triệu tấn.
Dự trữ đậu tương cuối niên vụ 2023 - 2024 của Mỹ ở mức 245 triệu bushel do sản lượng đậu tương năm 2023 giảm. Xuất khẩu đậu tương của Mỹ niên vụ 2022-2023 giảm 5 triệu bushel xuống còn 1,980 tỷ bushel.
Trong khi đó, sản lượng đậu tương của Brazil được dự báo ở mức 163 triệu tấn trong niên vụ 2023 - 2024.
Dự trữ lúa mỳ cuối niên vụ 2023 - 2024 của Mỹ tăng 23 triệu bushel lên 615 triệu bushel do xuất khẩu giảm 25 triệu bushel xuống 700 triệu bushel, bù đắp cho phần nào tổng sản lượng thấp hơn. Lúa mỳ của Mỹ đang ngày càng cạnh tranh hơn ở mức giá hiện tại trong bối cảnh giá FOB trên thế giới tăng.
Các mặt hàng ngô, lúa mỳ và đậu tương dự kiến sẽ ghi nhận mức thấp kéo dài trong 30 ngày tới khi việc sử dụng thức ăn chăn nuôi toàn cầu phục hồi, các nhà nhập khẩu buộc phải mua nguồn cung lúa mỳ không phải từ khu vực Biển Đen.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London có xu hướng đi ngược chiều nhau. Giá cà phê Robusta giao tháng 9/2023 tăng thêm 6 USD, lên 2.672 USD/tấn, trong khi các kỳ hạn giao sau đều sụt giảm.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ tư. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2023 giảm thêm 2,10 xu, xuống 157,80 xu/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 giảm 1,95 xu, còn 157,70 xu/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình (1 lb = 0,4535 kg).