Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tại Thủ đô tăng 1,32% so với tháng 6, tăng 21,55% so với cùng kỳ năm trước; tăng 14,43% so với cuối năm 2010. Tháng 7, tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng là hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi tăng cao tới 2,67%. Các nhóm còn lại, đều có chỉ số giá tăng không quá 0,58% so với tháng trước, ngoại trừ bưu chính viễn thông vẫn giữ nguyên.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, mức tăng mạnh của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 7 chủ yếu do giá của mặt hàng thực phẩm tăng cao tới 3,74%. Theo đó, việc hầu hết các loại thực phẩm tươi sống tiếp tục tăng, tình trạng thiếu nguồn cung cho thị trường; nguồn thuỷ sản cũng hạn chế do đang trong thời kỳ nuôi thả cá thịt đợt 2 dẫn đến giá các loại thuỷ sản cũng có xu hướng tăng. Hơn nữa trong tháng 7, do các thí sinh đi thi đại học và cao đẳng từ các nơi tập trung về Hà Nội nên các cửa hàng ăn uống đông khách; bên cạnh đó, giá thực phẩm tăng đã làm chỉ số giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, mặt hàng lương thực đã có mức giá giảm so tháng trước do năm nay vụ chiêm miền Bắc được mùa. Mức giảm của mặt hàng này đã góp phần làm giảm bớt CPI tháng 7. Những nhóm còn lại như nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng sau một thời gian tăng cao đã chững lại do giá gas trên thế giới giảm, các hãng gas trong nước cũng điều chỉnh giảm giá bán.
Nhận xét về chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7, Cục trưởng cục Thống kê Công Xuân Mùi cho biết: Để kìm chế tốc độ tăng giá, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt gần 500 tỷ đồng để thực hiện chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu với khoảng 660 điểm bình ổn giá, mặt khác thành phố tăng cường kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng bình ổn giá... Những chính sách trên đã có chuyển biến tích cực trong việc giảm tốc độ tăng chỉ số giá trong tháng này.
Tuy không tính vào CPI, nhưng chỉ số giá của vàng trong tháng 7 cũng tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 33,67% so với cùng kỳ năm 2010. Trái lại, chỉ số giá của đô la Mỹ trong tháng 7 giảm nhẹ ở mức 0,07% so tháng trước, nhưng tăng 8,14% so cùng kỳ năm trước./.
Anh Tùng