Tất bật 'thay áo mới' cho đào nở hoa đúng dịp Tết  

Đào là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm. Vì vậy vào thời điểm này khi rét đậm về, hàng trăm hộ dân đã tiến hành tuốt lá, chăm sóc đào để cây kịp ra hoa vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Chú thích ảnh
Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn ở xóm Đồng Bản có 3.000 gốc đào phai và đào bích phục vụ Tết Ất Tỵ 2025. 

“Thay áo mới” cho đào

Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn ở xóm Đồng Bản là hộ dân có số lượng gốc đào lớn nhất xã Kim Thành, huyện Yên Thành với 3.000 gốc đào phai và đào bích. Thời điểm này, gia đình anh đang tất bật tuốt lá, nuôi mắt, cho đào ra nụ.

Năm nay, thời tiết thuận lợi hơn nên cây đào sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, cho ra hoa đúng thời điểm. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều vùng trồng đào trên cả nước bị hư hỏng và chết nhiều, vì vậy anh Sơn dự đoán giá cây đào Tết năm nay sẽ đắt hơn 10 - 15%. Dự kiến, Tết năm nay gia đình anh bán ra thị trường 150 gốc cây đào, sẽ cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng. Hiện vườn đào nhà anh Sơn đã có khách đến đặt hàng tại vườn. Để có cây đào gối vụ cho năm tới, thời điểm này anh Sơn cũng đã đi thu mua, săn tìm các gốc cây đào độc, đẹp ở các địa phương khác để về trồng, chăm sóc hoặc ghép lai giống với loại đào khác để cho ra loại đào lai đẹp.

Nói về kinh nghiệm chăm sóc đào, anh Sơn chia sẻ: “Để có những cành đào đẹp, người trồng đào phải chăm sóc cây một cách tỉ mỉ, đặc biệt là trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cây đào dễ bị ảnh hưởng bởi sương muối, rét đậm, vì vậy người dân phải theo dõi sát sao tình hình thời tiết và có các biện pháp phòng, chống rét kịp thời”.

Cách đó không xa, vườn đào nhà anh Chu Văn Huấn có 800 gốc đào. Ngoài bán cả cây, cành thì gia đình anh Huấn còn cho thuê cây đào. Từ 24 tháng Chạp âm lịch, khách sẽ tới đào cây để mang về chơi Tết, ra Giêng lại trả đào về vườn. Tùy theo thế của mỗi cây đào sẽ có nhiều giá cho thuê khác nhau, trung bình mỗi cây đào cho thuê có giá từ 3 - 10 triệu đồng/cây. Thời điểm này vườn đào nhà anh Huấn đã có 30 gốc đào cho khách thuê.

“Hiện nay, ở làng nghề hoa đào Kim Thành có 2 loại chính là đào bích (đào thế) và đào phai 5 cánh/đào phai kép (đào cành). Đào bích Kim Thành có màu hồng thắm, bông to, dày cánh, nở rộ. Loại đào này được các nhà trồng nhiều nhất do dễ tiêu thụ”, anh Huấn cho biết.

Từ giữa tháng 11 âm lịch, người dân các vùng trồng đào trong tỉnh như Nam Anh, Nam Xuân (Nam Đàn), Kim Thành, Hùng Thành (Yên Thành), Nghi Ân, Nghi Liên (thành phố Vinh), Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu)… lại tất bật xuống lá cho đào.

Người dân cho biết, tuốt lá đào là một trong những khâu quan trọng nhất, phải được thực hiện đúng thời gian để đào ra được mắt và cho ra những nụ hoa to, đẹp và đều. Thời gian tuốt lá tùy thuộc vào từng giống đào, loại bán cành thì tuốt muộn hơn loại bán cả cây. Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán có nhiều đợt rét đậm, rét hại nên việc “thay áo mới” cho đào được tiến hành sớm hơn các năm trước từ 7-10 ngày.

Việc tuốt lá cho đào hoàn toàn thủ công bằng tay, đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công, tuốt từng nhánh một, tuốt cành non, yếu trước, cành già, khỏe tuốt sau. Mỗi ngày một người làm việc cần mẫn thì cũng chỉ tuốt lá được chừng 4 - 5 cây đào. Nhiều hộ trồng đào với diện tích lớn thường phải thuê nhân công tuốt lá để đảm bảo đúng tiến độ, đào kịp nở vào dịp Tết.

Phát huy thế mạnh cây bản địa

Khoảng 10 năm trở lại nay, trồng đào Tết đã trở thành nghề chính của nhiều địa phương vùng bán sơn địa ở Nghệ An. Tùy theo từng cây sẽ có giá thành khác nhau, song trung bình có giá bán dao động tại vườn ở mức từ 500.000 - 20 triệu đồng/cây. Nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng đào Tết. Ông Nguyễn Văn Chiến, xóm 8 ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn cho biết: “Gia đình trồng gần 500 gốc đào bán Tết. Đào đã được trồng từ 3 đến 4 năm, có cây thân cao khoảng 2 -2,5m, giá bán dự kiến dao động từ 1-5 triệu đồng/cây”.

Hiện, nhiều thương lái đã đến thăm vườn, khảo sát giá để chuẩn bị cung ứng thị trường Tết. Nhiều cành đào gốc to, thế đẹp đã có khách đặt mua, đánh dấu và cọc tiền trước.

Ngoài giống đào phai, đào bích bản địa, các hộ dân trồng đào ở nhiều địa phương đã du nhập các giống đào khác như: đào Nhật Tân, Bạch đào; đào thế… về thuần giống, lai ghép mang lại thu nhập cao. Nhiều hộ gia đình cũng đã chuẩn bị giống đào để trồng gối lứa kế tiếp sau khi bán lứa đào Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nhờ trồng đào mà Kim Thành từ một xã miền núi nghèo, nay đã thay da đổi thịt thành một xã giàu có. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ đào Tết, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xã Kim Thành cũng đã cử cán bộ hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con về phương pháp trồng đào, tạo thế dáng đẹp và xây dựng thương hiệu đào Kim Thành trở thành thương hiệu nổi tiếng mang nét độc đáo riêng.

Chú thích ảnh
Năm 2024, thời tiết thuận lợi hứa hẹn đào sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán, người dân trồng đào Nghệ An rất phấn khởi. 

Ông Phan Tất Mậu - Chủ tịch UBND xã Kim Thành cho biết: Hiện nay, nghề trồng đào và kinh doanh đào Tết ở xã đã trở thành nghề truyền thống, trên địa bàn xã có trên 350 hộ đầu tư trồng đào với quy mô khoảng 26 ha, trong đó có nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển vườn nhà ra đồng để trồng đào. Cây đào được xem là thu nhập chính của người dân Kim Thành. Trong quy hoạch thời gian tới, xã Kim Thành cũng sẽ mở rộng thêm 100 ha diện tích hoang hóa, đất xấu để chuyển đổi sang trồng đào. Làng nghề đang hướng tới xây dựng sản phẩm chế biến sâu từ cây đào như OCOP rượu đào trong năm 2025.

Từ loại cây trồng chơi ngày Tết, đào đã trở thành cây “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế theo mô hình vườn đồi ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Đặc điểm của đào Nam Anh là thân cành già, cứng, nhiều tầng hoa, nở kéo dài từ nửa tháng đến gần 1 tháng, hoa màu thắm hồng, cánh dày. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên hứa hẹn đào sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán, điều này khiến người dân trồng đào rất phấn khởi.

Ông Hồ Viết Sỹ - Bí thư xã Nam Anh cho biết: Cùng với cây hồng thì cây đào trở thành điểm đến du lịch của du khách gần xa về tham quan, chụp ảnh, vãn cảnh chùa mỗi dịp du Xuân. Xã cũng vận động nhiều hộ dân có nhiều gốc đào cổ có thế và hoa đẹp chăm sóc tốt để trở thành điểm đến du lịch của du khách. Đây là lợi thế để xã Nam Anh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch canh nông.

Trồng đào bán Tết được xác định là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương ở Nghệ An góp phần nâng đời sống kinh tế của các hộ trồng. Cùng với việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng đào, các địa phương chú trọng nâng chất lượng cây đào theo từng năm, tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc nâng chất lượng hoa đào, đảm bảo nở đúng vụ, uốn thế cho cây, nâng giá trị cây hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân dịp Tết.

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Người dân nườm nượp đổ về Mê Linh check-in Festival Hoa
Người dân nườm nượp đổ về Mê Linh check-in Festival Hoa

Sáng 28/12, hàng nghìn người dân đổ về lễ hội hoa huyện Mê Linh (Hà Nội) để chiêm ngưỡng và check-in, chụp ảnh với các loài hoa rực rỡ sắc màu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN