Đây là một trong những kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử tập đoàn này.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu của Inditex đã giảm 44% so với năm 2019, từ 5,9 tỷ euro xuống 3,3 tỷ euro. Inditex đã phải đóng cửa 88% trong tổng số hơn 7.400 cửa hàng trên toàn cầu. Trái ngược với tình hình ảm đạm ở mảng kinh doanh truyền thống, doanh số bán hàng trực tuyến của Inditex ghi nhận mức tăng trưởng 50% trong quý I, riêng tháng 4 đã tăng vọt lên 95% trong bối cảnh nhiều quốc gia áp lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Đến nay, mảng kinh doanh online đã chiếm 14% tổng doanh thu của tập đoàn.
"Gã khổng lồ" trong ngành thời trang này tỏ ra dè dặt về viễn cảnh trong vài tháng tới, khi cho biết doanh thu giảm 51% trong tháng 5 và giảm 34% trong tuần đầu tiên của tháng 6. Trước những tác động nặng nề của đại dịch, Inditex đã công bố kế hoạch đầu tư 900 triệu euro/năm trong giai đoạn 2020-2022 nhằm nâng cấp hệ thống bán hàng online, đồng thời giảm bớt số cửa hàng để tập trung vào các cơ sở lớn nhất cũng như có vị trí "đắc địa" nhất. Theo đó, Inditex dự định sẽ nâng tỷ lệ bán hàng online lên 25% vào năm 2022.
Thành lập năm 1985 với trụ sở tại vùng Galicia, Inditex là tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới với hơn 7.400 cửa hàng tại trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài thương hiệu chính Zara, tập đoãn cũng sở hữu các nhãn hàng Zara Home, Massimo Dutti, Bershka, Oysho, Pull&Bear, Stradivarius và Uterque.