Tập đoàn Dệt may: Sẽ mua hàng của Xơ sợi Đình Vũ theo giá thị trường

Đó là khẳng định của ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại buổi họp báo sáng 27/12 cung cấp thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2018.

Dự án Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, thuộc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) - 1 trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công Thương, đã vận hành trở lại hồi tháng 8, sau gần 3 năm "đắp chiếu".

Chú thích ảnh
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam điều hành họp báo.

Tuy nhiên, theo ông Cao Hữu Hiếu, nhà máy đã cho khởi động 20 máy sản xuất sợi filament, còn phần xơ thì chưa, trong khi đây là phần quan trọng nhất. Hiện nay, các đơn vị của Vinatex đã bắt đầu sử dụng sản phẩm này. Song thị trường sợi filament không lớn, có tính đặc thù.

"Chúng tôi đã có cam kết với Tập đoàn Dầu khí PVN sẽ sử dụng xơ của nhà máy Xơ sợi Đình Vũ khi nhà máy hoạt động trở lại với 2 điều kiện: chất lượng tốt và giá cả phải theo thị trường", ông Hiếu cho biết.

Lãnh đạo Vinatex cho biết thêm, nếu không có sợi Đình Vũ, Tập đoàn vẫn có nhiều nhà cung cấp nguyên liệu khác như nhà máy Formosa tại Đồng Nai hay nhập khẩu một số thương hiệu của Thái Lan với giá cạnh tranh.

"Không thể vì cứu nhà máy Xơ sợi Đình Vũ mà mua bằng bất cứ giá nào. Đây là cơ chế sòng phẳng. Tập đoàn cũng không thể yêu cầu các đơn vị phải mua vì nếu mua giá đắt thì doanh nghiệp bị lỗ. Từ trước khi nhà máy Xơ sợi Đình Vũ phải đóng cửa, các doanh nghiệp của chúng tôi đã xuống đó khảo sát nhiều lần. Nói công bằng là chất lượng không đến nỗi tệ. Có đơn vị của chúng tôi như Công ty Sợi Phú Bài đã dùng nguyên liệu của Đình Vũ để sản xuất cho các nhà cung cấp tại châu Âu", ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

Cũng tại buổi họp báo, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của Vinatex đã được công bố. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tính đủ của Tập đoàn ước đạt 3,05 tỷ USD, bằng 102,3% kế hoạch năm 2018, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu ước đạt hơn 48.658 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Năm 2019, doanh thu dự kiến của Vinatex tăng 5 - 7% so với năm 2018; lợi nhuận phấn đấu tăng 12%.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 36 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 36 tỷ USD

Năm 2018 là một năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, tăng 16,01% so với năm 2017. Nhờ đó, thặng dư ngành ước đạt 17,86 tỷ USD, tăng 14,39%, cao nhất từ trước đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN