Vì thế, năm nay Bộ Công Thương tiếp tục lựa chọn chủ đề “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững” nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cũng là bảo vệ doanh nghiệp chân chính.
Còn nhiều bất cập
Chị Cao Ngọc Anh, nhân viên văn phòng công ty Sao Hoàng Gia cho biết, do không có thời gian ra ngoài mua sắm nên chị thường xuyên đặt hàng qua mạng xã hội facebook. Tuy nhiên, bên cạnh những địa chỉ bán hàng tin cậy, nhiều lần chị Ngọc Anh té ngửa khi nhận những món đồ hoàn toàn không giống như trang quảng cáo đăng tải.
Chị Ngọc Anh cũng đưa ra một ví dụ, chị đặt một bộ nồi tại trang Tổ ấm đẹp, khi trao đổi hỏi nhân viên của shop thì được biết đây là bộ nồi bằng sứ Giang Châu-Quảng Tây Trung Quốc. Dù giá cao 950 nghìn/chiếc nhưng chị Ngọc Anh vẫn quyết định mua hai chiếc.
Dở khóc dở cười vì lúc nhận được lại là hai chiếc nồi sắt tráng men, chị Ngọc Anh có liên hệ với trang web này để hỏi lại thì chỉ nhận được lời xin lỗi là thông báo nhầm và hoàn toàn không được đổi trả lại.
Cùng chung nỗi khổ mua đồ online, chị Phạm Thị Hồng tại khu Quỳnh Mai cũng không ít lần bị rơi vào tình cảnh mua hàng tại các shop “treo đầu dê, bán thịt chó”. Không những thế, khi liên hệ với cửa hàng thì sẽ hứa đổi trả và một thời gian sau thì hoàn toàn không liên lạc được.
Ngoài ra, nhiều trường hợp ngồi lướt mạng mua bánh sinh nhật cho con về cắt ra bên trong mốc xanh, hoặc mua đồ ăn nhưng khi nhận được đã bốc mùi. Đáng buồn hơn là các shop ấy không những không xin lỗi mà còn đổ lỗi ngược lại do người nhận không bảo quản ngay hoặc tại shipper vận chuyển…
Đây chỉ là một vài trong muôn vàn câu chuyện khi mua hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo mà vẫn bỏ qua. Phần lớn người tiêu dùng có tâm lý ngại va chạm, nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Cũng có trường hợp người tiêu dùng đã khiếu nại song việc giải quyết không thành công bởi không còn đủ chứng cứ quyền lợi bị xâm hại.
Ông Trần Phước Trí – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết: Việc xử lý những khiếu nại của người dân liên quan đến mua hàng online hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều khách hàng tại Đà Nẵng nhưng thông qua mua hàng trực tuyến lại mua hàng hóa ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh thành khác nên khi khiếu nại các cơ quan chức năng của thành phố;trong đó có lực lượng quản lý thị trường không thể xử lý.
Còn ngược lại, người ở tỉnh thành khác, hoặc người ở trong nội thành thành phố mua sản phẩm tại TP. Đà Nẵng khi khiếu nại thì có thể xử lý nhưng phần lớn là không đủ căn cứ xử lý vì người mua hàng không có hóa đơn chứng từ, tài liệu hàng hóa đi kèm.
Bên cạnh đó, khi các cơ quan chức năng đi kiểm tra, xác minh theo khiếu nại cũng còn gặp nhiều khó khăn do nhiều shop mua bán trực tuyến không có địa chỉ thực tế.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018 đơn vị đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng liên quan đến các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Không những thế, riêng tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng đã ghi nhận có hơn 6.000 cuộc gọi đến. Theo thống kê, trong số các cuộc gọi có nhân viên trả lời thì có đến khoảng 30% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không ít các trường hợp, khi các chuyên viên của Cục tiếp xúc thì người tiêu dùng không cung cấp được các bằng chứng xác thực việc mình bị vi phạm quyền lợi do hàng hóa không còn nguyên vẹn, hóa đơn chứng từ mua hàng không còn, hoặc các trang mạng bán hàng không rõ ràng, không còn tồn tại… Điều này khiến các điều tra viên rất khó trong việc phát hiện kiểm tra và xử lý vụ việc.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nhằm có những hành động thiết thực, ý nghĩa hơn đối với người tiêu dùng, hưởng ứng "Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam", Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình mang tính tự nguyện. Đồng thời, cùng hợp tác nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, xã hội đối với người tiêu dùng nói riêng và người dân nói chung.
Tuy nhiên, nhận thức của các bên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đầy đủ; nguồn lực để thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều thiếu sót, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ngoài ra, năng lực thực thi pháp luật còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ.
Chuyển biến nhận thức
Dưới góc độ của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam cho biết, bình quân mỗi năm, Hội tiếp nhận và tư vấn giải quyết từ 1.000-2.000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng với nội dung phong phú từ mua bán hàng hóa đến sử dụng dịch vụ.
Qua giải quyết khiếu nại, rất nhiều trường hợp khi xảy ra sự cố, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, mặc dù có giấy bảo hành, còn hạn bảo hành nhưng phía người bán không chịu thực hiện nghĩa vụ bảo hành cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, một doanh nghiệp hoạt động chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Cụ thể, về hàng hóa, muốn đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định của luật sản xuất hàng hóa, chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm theo luật thực phẩm…
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ghi rất rõ, người tiêu dùng có những quyền nhất định. Đó là, quyền được đảm bảo tính mạng, an toàn sức khỏe, tài sản, được cung cấp thông tin chính xác đầy đủ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và những thông tin khác liên quan đến hàng hóa dịch vụ.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước cần sử dụng nhiều biện pháp, đặt ra nhiều loại chế tài như chế tài hành chính, phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, chế tài dân sự và cả chế tài nghiêm khắc nhất là chế tài hình sự …
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng được quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ – CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP).
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật pháp của Việt Nam rất nghiêm minh và luôn hướng tới bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần biết tự bảo vệ mình khi lựa chọn sản phẩm, cần có các kiến thức, thông tin nhất định về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về sản phẩm, doanh nghiệp thì cần báo với cơ quan có liên quan để giải quyết kịp thời.
Ông Trần Phước Trí cũng đưa ra khuyến nghị, người tiêu dùng khi mua hàng nên vào trực tiếp những website của doanh nghiệp để tham khảo thông tin trước khi mua sắm. Bên cạnh đó, phải đọc kỹ các nội dung liên quan như hướng dẫn sử dụng, hóa đơn chứng từ để có cơ sở cho lực lượng chức năng có căn cứ xử lý.
Riêng với hàng hóa là hàng nhập khẩu thì ngoài nhãn gốc của hàng hóa, bắt buộc phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Nếu nhãn hàng hóa không có đầy đủ các nội dung bắt buộc hoặc hàng hóa nhập khẩu nhưng không có nhãn phụ thì đây cũng là một trong những dấu hiệu nghi ngờ rằng đây là hàng hóa vi phạm, hàng giả, hàng nhập lậu hoặc hàng hóa không đảm bảo chất lượng, an toàn…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, nhằm đảm bảo hiệu ứng tập trung và lan tỏa, thay vì chỉ tổ chức tập trung vào tháng cao điểm (tháng 3), các hoạt động ngày Quyền người tiêu dùng 2019 sẽ kéo dài trong tháng 4 và 5/2019 trên phạm vi cả nước.
Cùng với đó, nhằm theo kịp xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Công Thương cũng lưu ý cần tập trung thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm hàng hóa để có thể dễ dàng khiếu nại nếu gặp trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.