Quyền lợi của doanh nghiệp cũng chính là quyền lợi người tiêu dùng

Lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp, nhưng không phải vì thế mà các doanh nghiệp vì quyền lợi của mình mà quên đi quyền lợi của người tiêu dùng. Thay vào đó, doanh nghiệp nên ý thức rằng, quyền lợi của doanh nghiệp cũng chính là quyền lợi người tiêu dùng.

Thông tin về việc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng không phải là hiếm. Theo khảo sát của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Vinastas), năm 2010, có tới 62% số người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi, không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế mà còn có thể dẫn tới những tổn thất về sức khỏe và tinh thần. Số trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng ở mức cao như trên trước hết là do nhiều doanh nghiệp vì lợi ích bản thân đã làm ăn gian dối để thu lợi nhuận bất chính.

Thời gian qua, số doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng không phải là hiếm nhưng việc doanh nghiệp bị xử lý thì không nhiều. Nguyên nhân là do pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được tôn trọng và người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm bảo vệ quyền lợi của mình. Người tiêu dùng thường có tâm lý ngại va chạm, sợ phiền hà hoặc mất thời gian và không biết việc khiếu nại có đem lại kết quả hay không... Những yếu tố đó khiến nhiều người tiêu dùng bỏ qua những vi phạm của nhà sản xuất, kinh doanh mặc dù quyền lợi của mình bị xâm hại.

Theo bà Vũ Thị Bạch Nga – Trưởng ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) của Cục Quản Lý Cạnh Tranh – Bộ Công Thương (tại hội thảo “Number 1 – Thực thi Luật bảo vệ quyền lợi NTD” ngày 30/8/2011, do tập đoàn Tân Hiệp Phát tổ chức ở Bình Dương), thì có đến gần 18% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng, 15% vi phạm quy định về ghi nhãn, 12% vi phạm về đo lường, 10% kinh doanh hàng giả và 45% vi phạm khác có ảnh hưởng đến quyền lợi NTD.

Để thực thi tốt hơn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội. Theo đó, cần phải tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra, giám sát các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cũng đề nghị nâng cao vai trò tích cực của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam... Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng phải thi hành đúng luật, đảm bảo lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Nhưng, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng với việc việc Luật Bảo vệ quyền lợi người dùng được thực thi từ 1/7/2011, nếu người tiêu dùng đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ quyền lợi của mình thì số vụ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng sẽ tự động giảm đi. Bởi, lợi ích của các nhà sản xuất, nhà phân phối gắn liền lợi ích người tiêu dùng.

“Các doanh nghiệp nên thay đổi quan điểm về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như cách ứng xử với người tiêu dùng. Bởi, quyền lực của người tiêu dùng là rất lớn, trong đó có quyền lựa chọn sử dụng sản phẩm nào cho vào giỏ hàng. Nếu quyền này chỉ được phát huy thì có thể tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền lợi của chính các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nên kinh doanh trên quan điểm vì người tiêu dùng, tức là nên quan tâm đến chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp kinh doanh trên quan điểm “vì người tiêu dùng” là một hình thức đầu tư sinh “lãi”. Trong đó, sản phẩm có chất lượng được hiểu là kết tinh của quá trình sáng tạo sinh lãi nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của người tiêu dùng; tuân thủ các quy định của pháp luật, nhà nước và các cơ quan chuyên môn về các tiêu chuẩn của hàng hóa dịch vụ... Không những thế, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo hành và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng một cách thỏa đáng. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo được uy tín với khách hàng thường là những doanh nghiệp quan tâm đếm đầu tư cho công nghệ, có quy định nghiêm ngặt về giám sát chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và lưu thông. Những doanh nghiệp như vậy, sẽ có sự tăng trưởng và phát triển không chỉ về doanh số kinh doanh mà sẽ có ngày càng có được chỗ đứng vững chắc trong tâm trí khách hàng.

Minh Khuê

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN