Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực sẽ hạn chế được vi phạm

Được thông qua từ tháng 11/2010 để thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có từ năm 1999, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7 với nhiều điểm mới đang mang tới niềm tin cho các ngành chức năng và chính những người tiêu dùng về việc sẽ giảm thiểu các vụ việc vi phạm từ phía doanh nghiệp.

Điểm tựa của người tiêu dùng

Thống kê từ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (NTD) Việt Nam, hơn 80% khiếu nại của NTD trong thời gian năm 2010 liên quan đến chất lượng hàng hóa, số còn lại tập trung vào các vấn đề về dịch vụ, khuyến mãi, chăm sóc khách hàng… Những vụ khiếu nại không tập trung vào hai hay ba nhóm hàng cố định như các năm trước mà rải đều ở các lĩnh vực như điện máy, dịch vụ, cước điện thoại… “Các vụ khiếu nại hầu hết được giải quyết thông qua hòa giải giữa doanh nghiệp và NTD vẫn chưa thuyết phục được NTD do chúng ta vẫn chưa có chế tài đủ mạnh. Tuy nhiên, khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đi vào cuộc sống, tôi tin NTD sẽ được bảo vệ một cách triệt để hơn”, bên thềm hội thảo về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD - công cụ pháp luật hữu hiệu bảo vệ NTD Việt Nam được Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/6/2011 tại TP Hồ Chí Minh, bà Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ NTD thuộc Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định.

Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ hữu hiệu hơn khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi. Ảnh: Thế Anh-TTXVN


Căn cứ trên tình hình thực tiễn, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã đưa ra các quy định chi tiết và đầy đủ về các hành vi bị cấm như: Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện những hành vi như lừa dối, gây nhầm lẫn thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin về hàng hóa; quy định về trách nhiệm và ràng buộc cụ thể của bên thứ 3 đối với NTD; cập nhật những quy định mới và chặt chẽ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh… Theo bà Nga, xuất phát từ vị trí yếu thế của NTD trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…, luật cũng có nhiều điểm rất nhân văn khi đưa ra quy định miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí khi tiến hành khởi kiện các tổ chức cá nhân vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.

Có luật, chưa đủ!

Để bảo vệ quyền lợi NTD, theo các chuyên gia kinh tế, chỉ có luật không là chưa đủ. Thực chất luật chỉ là công cụ hỗ trợ giúp các ngành chức năng thực thi quyền hạn của mình trong việc bảo vệ, ngăn chặn những vụ việc phát sinh xâm hại đến quyền lợi của NTD. “Điều quan trọng là phải nâng cao được nhận thức bảo vệ NTD của chính NTD, cộng đồng doanh nghiệp và ngành chức năng. Khi nhận thức này được nâng cao, các công việc khác như giải quyết tốt khiếu nại, khiếu kiện của NTD; hoàn thiện năng lực bộ máy bảo vệ quyền lợi; tự giác chấp hành kỷ cương của doanh nghiệp… sẽ được cải thiện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Lê Danh Vĩnh cho hay.

Kinh nghiệm của các nước trong việc bảo vệ quyền lợi NTD cho thấy, việc NTD được bảo vệ một cách hiệu quả sẽ tạo được động lực cho sự phát triển kinh tế và hình thành một xã hội có tính gắn kết cao. Trước khi nhờ tới sự can thiệp của luật pháp hoặc trông chờ sự tự giác của doanh nghiệp, bản thân NTD nên hành động một cách có trách nhiệm trước và sau khi mua hàng. Các hành động mang tính chất phòng thủ này bao gồm: Cẩn thận trước khi mua và đọc, làm theo hướng dẫn cũng như giữ lại tất cả hóa đơn, chứng từ sau khi mua; khi không hài lòng về sản phẩm thì cố gắng hòa giải với người bán, sau đó mới nhờ pháp luật can thiệp…

Với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong số thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thị trường cũng đang ẩn chứa lắm rủi ro cho NTD với đủ loại vi phạm như bán hàng không rõ xuất xứ; nhập nhằng về chất lượng; thiếu thông tin về giá, quy cách sử dụng; thiếu thông tin về bảo hành… Trong các trường hợp như thế, với kinh nghiệm của Liên minh châu Âu trong bảo vệ quyền lợi NTD, bà Lucette Defalque - chuyên gia Dự án MUTRAP III cho biết, cần nâng cao vai trò của những hội, đoàn trong việc làm cầu nối giữa NTD và các cơ quan công quyền. Nhiệm vụ của các cơ quan này là hướng dẫn, tư vấn cho NTD; thông báo hoặc yêu cầu ngành chức năng can thiệp; đưa ra những cảnh báo dựa trên khảo sát sản phẩm; chỉ định hòa giải viên và hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ pháp lý…

Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN