Ngày 1/7/2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) bắt đầu có hiệu lực. Tại cuộc Hội thảo Ngày quyền NTD thế giới được tổ chức hôm qua (15/3) tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh khẳng định, luật này sẽ là công cụ hữu hiệu giúp NTD và các ngành chức năng thực thi nhiệm vụ cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD.
NTD - trăm đường thua thiệt
Cầm chai nước gội đầu trên tay, chị Thu nhà ở quận 3 tìm mỏi mắt vẫn không thấy một dòng chữ Việt nào ghi trên bao bì. Thay vào đó là các dòng quảng cáo sản phẩm ghi bằng tiếng Thái Lan, tiếng Anh và tờ rơi giới thiệu sản phẩm với những lời có cánh được cắt ra từ trang PR, sản phẩm của một tờ báo tên tuổi. Trường hợp khác, anh Phước nhà ở 178 Võ Thị Sáu than, mua chiếc kính mát hiệu Raybon tại một cửa hàng tên tuổi ở quận 3 có giá hơn 700 USD. Tuy nhiên khi sử dụng trong thời gian ngắn, gọng mắt kính có hiện tượng hoen gỉ loang màu, tròng gây đau mắt, anh đề nghị cửa hàng thay mắt kính khác. Nhưng đại diện cửa hàng từ chối với lý do không chắc anh có mua tại đây không do anh không xuất trình được hóa đơn mua hàng.
Có tới 65% người tiêu dùng được hỏi khẳng định họ từng bị thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Ảnh : Thế Duyệt – TTXVN |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP Hồ Chí Minh, nhiều loại hàng hóa có thể kiểm định được chất lượng qua trực quan nên dễ dàng có bằng chứng “làm khó” nhà sản xuất, nhưng cũng có những trường hợp không dễ tìm được bằng chứng để khiếu nại. Đơn cử như đường truyền Internet chập chờn hoặc dung lượng tải không đúng như cam kết, chất lượng thu hình kênh truyền hình cáp không đảm bảo, lo ngại chất lượng ghi trên bao bì có đúng như cam kết hay không… “Ngoài ra những hình thức bán hàng đa cấp chủ yếu do truyền tai và qua môi giới bằng miệng với giá thành cao, trong khi hầu hết sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Do quá tin tưởng vào người giới thiệu là người thân hay quen biết, NTD chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi biết mình bị lừa đau”, ông Hùng nói thêm.
Khảo sát xã hội học từ Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, gần 65% NTD được hỏi khẳng định họ từng bị thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Nói về kết quả trên, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, tình trạng xâm phạm quyền lợi NTD vẫn chưa giảm cho thấy những giải pháp bảo vệ NTD thời gian qua không khả thi, thậm chí còn có sự buông lỏng, thiếu quan tâm của các ngành chức năng. “Tôi đã đề cập vấn đề này với Sở Công Thương nhiều tỉnh, thành - là đơn vị có trách nhiệm quản lý cũng như bảo vệ quyền lợi của NTD. Nhưng hầu hết các tỉnh đều không biết mình có nhiệm vụ trên!”, ông Mừng nói.
“Quả bóng” từ chính DN
Báo cáo thực trạng xâm phạm quyền lợi NTD và thực tiễn bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, trong số các doanh nghiệp được khảo sát có đến gần 18% vi phạm quy định về chất lượng, 15% vi phạm quy định về ghi nhãn, 12% vi phạm về đo lường, 10% kinh doanh hàng giả và 45% thuộc các vi phạm khác. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2010, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD đã tiếp nhận, xử lý 142 vụ việc. Đặc biệt, các ý kiến phản bác của NTD hầu hết xoay quanh những vấn đề xuất phát từ chính nội tại doanh nghiệp như: Hàng nhái, hàng giả, sử dụng sai yêu cầu sản phẩm, chất lượng sản phẩm không đồng bộ dẫn đến NTD không hiểu rõ và bị thiệt hại nhiều về quyền lợi…
Có mặt tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã lưu ý, các doanh nghiệp phải có ý thức, tự giác trong việc bảo vệ quyền lợi cho NTD bằng cách ghi đầy đủ các cam kết chất lượng hàng hóa trên nhãn mác cũng như lưu giữ những chứng minh truy nguyên nguồn gốc khi có yêu cầu khiếu nại. Các doanh nghiệp phải tập thói quen ghi rõ ràng mọi thông tin liên quan đến sản phẩm, tránh trường hợp lập lờ gây ngộ nhận cho NTD.
“Cần phải nâng cao ý thức từ chính bản thân doanh nghiệp vì nếu như họ xác định làm ăn chân chính, xây dựng lòng tin ở NTD thì sẽ không có chuyện bán hàng kém chất lượng hoặc có những cam kết bất nhất với hành động. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện vẫn có không ít doanh nghiệp sản xuất hay làm dịch vụ chưa thật sự tôn trọng NTD”, ông Hùng khẳng định. Thực tế việc bảo vệ quyền lợi NTD, tạo niềm tin cho khách hàng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Thu Phương – TGĐ Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Dương, ngoài việc thông tin rõ ràng công khai minh bạch về sản phẩm hoặc có những động thái hướng dẫn giúp khách hàng những kiến thức về sản phẩm, nhà sản xuất còn phải tạo mọi điều kiện để NTD có thể phản hồi nhanh chóng các thắc mắc, khiếu nại qua các đường dây nóng hay bộ phận chăm sóc khách hàng.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, trước khi vận động ý thức tự giác chấp hành của doanh nghiệp, NTD không được lơ là hay dễ dàng cho qua mà phải đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Để làm được điều này, NTD cần hiểu được quyền lợi của mình bao gồm những gì để khi gặp “sự cố” thì tự biết cách tự bảo vệ mình, hoặc nhờ các cơ quan có trách nhiệm can thiệp. “Năm qua có tới 62% trường hợp NTD mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng thống kê cho thấy số người khiếu nại chẳng bao nhiêu so với vụ việc bị xâm hại. Điều này cho thấy NTD ở ta vẫn còn hiền quá”, ông Mừng nói vui.
Bên cạnh đó, vai trò của các ngành chức năng công quyền cần được nâng cao hơn nữa trong công tác quản lý cũng như có những chế tài xử phạt nghiêm minh. Trong bối cảnh đó, rất nhiều người trong cuộc đang mong đến “giờ G” khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đi vào cuộc sống với những chế tài xử phạt cụ thể góp phần hạn chế được doanh nghiệp xâm phạm vào quyền lợi NTD và giúp NTD bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: “Thành phố đang triển khai nhiều biện pháp bảo vệ quyền lợi NTD” TP Hồ Chí Minh có hơn 8 triệu dân tương đương với chừng ấy NTD nên chúng tôi đang có những biện pháp hữu hiệu để từng bước bảo vệ tốt quyền lợi người dân. Hiện ngành quản lý thị trường được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp kinh doanh gian dối, bán hàng hóa vi phạm những quy định nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm… Chương trình bình ổn giá của thành phố được đánh giá cao khi giúp cân bằng quyền lợi, sự hưởng thụ hàng hóa chất lượng cao nhưng giá thấp cho NTD, đặc biệt NTD các khu vực vùng sâu, vùng nông thôn. Trong tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, chủ trương của thành phố sẽ tiếp tục duy trì chương trình (cuối tháng 3 là thời điểm kết thúc chương trình năm 2010). Ngoài các biện pháp tăng cường kiểm tra về giá cũng như bán hàng đúng cam kết, đặc biệt trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa thêm mặt hàng thuốc chữa bệnh vào danh mục bình ổn giá. Đây chính là những nỗ lực cụ thể của thành phố trong việc cam kết bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NTD”. Ông Lê Danh Vĩnh - Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thực thi sẽ giúp giải quyết được những khó khăn tồn đọng trong thời gian qua” Ngày 17/11/2010 có thể xem là bước ngoặt quan trọng trong công tác đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho NTD khi Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi NTD với sự đồng thuận, nhất trí cao. Đánh giá của riêng tôi, Luật có những quy định rất cụ thể, mang tính khả thi cao, dễ thực hiện, tạo nhiều điều kiện trong việc thực thi của ngành chức năng. Như vậy, NTD sẽ không còn yếu thế trong tranh chấp dân sự vì luật đã có các chế tài bảo vệ. Đặc biệt kết hợp cùng Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam, Bộ đã tham khảo ý kiến từ chính các doanh nghiệp và nhận được sự đồng tình cao. Sắp tới sẽ có quy định bảo vệ thông tin cá nhân cho NTD; quy định rõ ràng về trách nhiệm cho bên thứ 3 khi cung cấp thông tin cho NTD với nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD; các điều về bảo hành, cam kết của doanh nghiệp khi bán hàng; với giá trị không lớn, tòa án có thể rút ngắn các thủ tục hành chính… Đặc biệt cũng có những quy định ngược lại trong việc bảo vệ doanh nghiệp tránh các trường hợp bị làm khó từ chính NTD…”. Bà Dương Thị Quỳnh Trang – GĐ đối ngoại hệ thống siêu thị Big C: “Chúng tôi ủng hộ và mong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sớm đi vào cuộc sống” Big C ủng hộ những điểm đổi mới trong “Luật Bảo vệ quyền lợi NTD” đã được Quốc hội ban hành và sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm nay. Tôi cho rằng đây là quan điểm hết sức tiến bộ, giúp quyền lợi của NTD được bảo vệ một cách toàn diện, xác đáng và khả thi hơn. Đó cũng là động lực để tất cả các doanh nghiệp, từ nhà sản xuất đến nhà phân phối, cung cấp dịch vụ ra sức cải thiện sản phẩm của mình, làm đòn bẩy cho sự phát triển của cả nền kinh tế. Về phía Big C, chúng tôi cam kết cùng các nhà cung cấp nỗ lực hết sức để phục vụ NTD ngày càng tốt hơn nữa, đảm bảo khách hàng luôn tìm thấy những gì mình cần; an tâm với sản phẩm và dịch vụ tại siêu thị; được thông tin rõ ràng về hàng hóa, giá cả, chính sách kinh doanh, thông tin khuyến mãi; được lắng nghe, hỗ trợ, hướng dẫn và giải quyết các thắc mắc, góp ý, khiếu nại một cách nhanh chóng và thấu đáo”. |
Nguyễn Văn Nghĩa