Hiện nay, tại một số địa phương, các mô hình Làng thông minh, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đang từng bước được hình thành.
Những mô hình tiên phong
“Ngồi đây uống nước cùng các anh chị, không cần ra vườn, chỉ qua chiếc điện thoại thông minh, tôi vẫn biết vườn xoài hôm nay thế nào, có cần được tưới nước bổ sung, bón phân sinh học kịp thời hay không” - ông Đặng Văn Những, nông dân trồng xoài, Chủ nhiệm Tâm quê hội quán ở ấp Tân Hậu (xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) giới thiệu với khách về mô hình Làng thông minh đang được triển khai tại địa phương, trên nền tảng của hội quán.
Ông Những cho biết, nhờ có trạm quan trắc đặt tại vườn xoài, qua chiếc điện thoại thông minh, người trồng xoài có thể nắm được đầy đủ dữ liệu theo thời gian thực thông tin liên quan đến môi trường đất, môi trường nước ở vườn, thể hiện qua các thành tố như độ ẩm, độ mặn, độ pH, nhiệt độ... Từ đó, sẽ quyết định điều khiển chế độ chăm sóc cây phù hợp như tưới tự động cho gốc, lá. Ngoài ra, người trồng xoài có thể theo dõi dự báo thời tiết, chủ động chuẩn bị các biện pháp che chắn, bảo vệ, phòng ngừa thời tiết bất lợi gây hư hỏng trái xoài.
Du khách đến tham quan vườn xoài “được số hóa” cũng chỉ cần sử dụng điện thoại “quét” mã QR gắn trên thân cây là có đầy đủ thông tin từ tuổi cây, giống xoài đến quá trình sinh trưởng, ngày dự kiến thu hoạch.
Bà Phan Thị Thu Hai, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây thông tin, mô hình Làng thông minh ở xã Tân Thuận Tây được triển khai từ Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân tại Đồng Tháp”, triển khai tại xã Tân Thuận Tây, do Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chủ trì. Mô hình nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, thay đổi các phương thức canh tác cũ bằng các phương thức canh tác thông minh, cải thiện và nâng cao đời sống người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện nay, tại xã đã có các hệ thống quan trắc môi trường, tưới nước tự động, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là nâng cao hiệu quả sản xuất với trên 500 ha xoài. Trên địa bàn còn có hệ thống camera giám sát an ninh, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Tân Thuận Tây cũng đang triển khai hình thành sổ khám, chữa bệnh điện tử cho người dân.
Khác với xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nơi nông dân phát triển mạnh nghề trồng xoài, xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với mô hình Làng thông minh được triển khai thí điểm dựa trên thế mạnh nghề trồng bưởi, phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn cù lao, gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị xanh.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi, xã Bạch Đằng nằm trên cù lao Bạch Đằng, được bao bọc bởi sông Đồng Nai. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với mô hình Làng thông minh, đến thời điểm này, nhiều công trình, hạng mục quan trọng tại xã đã được triển khai như: hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, các camera an ninh ở các nút giao thông quan trọng. Các điểm phát sóng wifi công cộng được lắp đặt, hệ thống cây xanh có ở gần 40 tuyến đường, vệ sinh môi trường được thực hiện tốt…
Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Dương đã hoàn thiện ấn phẩm giới thiệu du lịch Làng thông minh xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên). Trong đó, cập nhật các điểm tham quan như: các vườn bưởi với tổng diện tích khoảng 450 ha trồng bưởi đường da láng, bưởi đường lá cam, bưởi ổi, bưởi thanh và bưởi da xanh; thăm đình Tân Trạch, nhà cổ Đỗ Cao Thứa được xây dựng từ thế kỷ XIX. Các tuyến kết nối tham quan được gợi ý như: từ cù lao Bạch Đằng tới thành phố Thuận An, đến vườn trái cây Lái Thiêu, chiến khu Thuận An Hòa, cơ sở làm heo đất Lái thiêu, đình Phú Long; kết nối với thành phố Dĩ An, tham khu du lịch Thủy Châu, nhà máy xe lửa Dĩ An, Bảo tàng Quân đoàn 4 hoặc đến thành phố Thủ Dầu Một tham quan di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, Bảo tàng Bình Dương, chùa Hội Khánh...
Nhân rộng bằng các giải pháp phù hợp
Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để mỗi làng quê phát triển văn minh, hiện đại, gìn giữ bản sắc, nét riêng từng địa phương, đạt chất lượng cao chứ không “ồ ạt”, thiếu hiệu quả. Các làng thông minh vì vậy được cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương định hướng phát triển dựa trên thế mạnh đặc thù và có giải pháp phù hợp để tạo sự lan tỏa, nhân rộng.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, cần nhiều tiêu chuẩn rất chặt chẽ như thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm. Xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng cần có ít nhất một mô hình thôn thông minh do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể…
Do đó, xây dựng thành công nông thôn mới kiểu mẫu gắn với mô hình làng thông minh; từ đó, nhân rộng, đòi hỏi có lộ trình thực hiện, có các trụ cột phát triển Làng thông minh toàn diện các lĩnh vực, tạo ra một cộng đồng đáng sống, kết nối với các làng khác và với các cộng đồng dân cư đô thị.
Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành khung cấu trúc mô hình và bộ tiêu chí về Làng thông minh áp dụng trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó nhấn mạnh, Làng thông minh ở Đồng Tháp là mô hình kết nối cộng đồng ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát triển nông thôn bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người dân dựa trên thế mạnh, cơ hội của địa phương.
Đồng thời, với đặc thù các hội quán hoạt động rất hiệu quả ở địa phương, Đồng Tháp xác định, Làng Thông minh cần gắn liền với ít nhất một hội quán nông dân hoặc một hợp tác xã hay tổ hợp tác sản xuất, có sản phẩm đặc thù của địa phương đạt chuẩn từ 4 sao trở lên thuộc Chương trình OCOP. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 7 Làng thông minh và năm 2030 là 14 Làng thông minh, tạo đột phá mới trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Với mô hình Làng thông minh đang được triển khai tại xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh), lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, các cấp, ngành tăng cường thực hiện và hoàn thiện mô hình Làng thông minh, trở thành mô hình điểm, mô hình mẫu, nổi bật có sự khác biệt của tỉnh. Đồng thời, khi đủ các điều kiện, địa phương có thể tách thành hai Làng thông minh theo bố trí dân cư trên nền tảng hai hội quán là Thuận Tân hội quán và Tâm Quê hội quán.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh ở xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên) trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh xác định, xây dựng Làng thông minh, tạo nơi tập trung các sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như: công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, xanh, sạch...
Trong tương lai, đây sẽ là nơi đáng sống, thân thiện với thiên nhiên, môi trường; là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái; đồng thời trở thành một biểu tượng xanh cho một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ những bước triển khai đang thể hiện hướng đi đúng, mục tiêu đến năm 2025, Bình Dương hoàn thành việc thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh, xã Bạch Đằng được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh xem đây là mô hình mẫu để tổ chức nhân rộng tại các xã có điều kiện tương tự trên địa bàn.