Công văn nêu rõ, để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có dịch khác ở phía Nam, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn hoạt động vận chuyển hàng hóa góp phần quan trọng tạo điều kiện cho việc vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ Công Thương nhận được báo cáo của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương gồm Lâm Đồng, Tiền Giang, Cần Thơ… và một số doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường hiện còn một số khó khăn, vướng mắc làm chậm việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Cụ thể, quy định tại Công văn số 5389/BYT-MT ngày 7 tháng 7 năm 2021 của Bộ Y tế về việc tiếp nhận đối với người từ Tp. Hồ Chí Minh về địa phương yêu cầu "Tất cả người về từ Tp. Hồ Chí Minh phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong vòng 7 ngày kể từ ngày về địa phương" đã gây khó khăn cho một số đơn vị phân phối của Tp. Hồ Chí Minh có nguồn hàng nằm ở tỉnh lân cận và ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa khác của các hệ thống phân phối.
Cùng với đó, hoạt động kiểm tra kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại các trạm thu phí, chốt, trạm kiểm soát còn diễn ra tình trạng ùn tắc kéo dài dẫn đến xe vận chuyển hàng hóa cung cấp cho Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bị chậm, hàng hóa giảm phẩm cấp, hỏng, không kịp giao hàng.
Nguyên nhân của vướng mắc trên do việc xét nghiệm chưa có sự điều phối, thống nhất giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh dẫn đến kéo dài thời gian lấy Giấy chứng nhận tại các điểm xét nghiệm.
Hơn nữa, việc yêu cầu kết quả âm tính của lái xe khi vào Tp. Hồ Chí Minh gây tăng chi phí bán hàng, thời gian dẫn đến tăng chi phí bán hàng của doanh nghiệp; tình trạng bị động trong điều phối xe vận chuyển hàng hóa do khâu kiểm soát Giấy chứng nhận âm tính thủ công gây ùn tắc hàng hóa, không đảm bảo quy định 5K.
Để tháo gỡ nhưng khó khăn, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Y tế quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và thống nhất với các tỉnh, thành phố về địa điểm xét nghiệm COVID-19, bổ sung các điểm xét nghiệm nhanh tại các chốt, trạm kiểm soát.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần nghiên cứu, xem xét, thống nhất yêu cầu xét nghiệm nhanh, thời gian hiệu lực 3 ngày cho phép các lái xe, phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu và người áp tải đi về trong ngày phục vụ Chương trình Bình ổn thị trường tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Phía Nam để các địa phương, doanh nghiệp cùng thực hiện.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an có phương án rút ngắn thời gian phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng hóa khi có đầy đủ giấy tờ phòng chống dịch theo quy định làm các thủ tục kiểm tra tại các chốt, trạm kiểm soát.
Bên cạnh việc tạo "luồng xanh", có phương án tạo luồng "ưu tiên đặc biệt" để các phương tiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương thuộc Chương trình Bình ổn thị trường trong và ngoài vùng có dịch, được lưu thông nhanh nhất, kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.