Tạo điều kiện hút vốn vào nông nghiệp

Mặc dù vẫn là một nước nông nghiệp, nhưng Việt Nam chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn, khả năng thu hồi vốn chậm, là không ít những vướng mắc từ cơ chế chính sách thu hút đầu tư.

Thiếu quỹ đất sạch

Nông nghiệp là ngành có lợi thế của Việt Nam trong hội nhập, với nhiều sản phẩm xuất khẩu giá trị cao như: gạo, cà phê, thủy sản, lâm sản… nhưng số DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất hạn chế; nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả xã hội.

TH True milk là một trong số ít các doanh nghiệp thành công khi đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Nhiều DN cho rằng, để đầu tư vào nông nghiệp thì yếu tố cơ bản là quỹ đất lớn, sử dụng lâu dài. “Đầu tư nông nghiệp hiện nay rất khó vì đất đai manh mún. Đất rộng nằm trong tay các lâm trường đang thua lỗ, nhưng nhiều nông trường lại khoán hết đất cho nông dân, nên DN cũng không dễ tiếp cận quỹ đất này”, Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex cho biết.

“Đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn về vai trò của DN. DN phải là yếu tố then chốt, là người dẫn dắt nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập như hiện nay”. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Cùng quan điểm này, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nhà máy giấy An Hòa (Tuyên Quang) cho biết: “Sờ tới đất đai của lâm trường nào, họ cũng nói đều giao cho dân, đòi lại dân cứ cảm thấy ‘như là của mình’. DN chúng tôi chỉ có 500 ha trồng nguyên liệu, nhưng gần Tết dân chặt sạch, báo cáo chính quyền xã, huyện đều làm ngơ”.
Do vậy, “Đất đai thuộc sở hữu của ai thì phải quy định rõ. Đất của Nhà nước cho DN thuê, đất lâm trường không phải của dân. Trên thực tế, giao rừng dân không làm mà thuê, khoán hết”, ông Tiền cho biết thêm.

Theo PGS,TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quan trọng nhất là phải giải quyết vấn đề đất đai. Hiện có cả “rừng luật”, chúng ta phải gỡ từng luật một. Cách tiếp cận thuế đất đai phải thật sự rõ ràng thì lúc đó nông dân muốn “ôm” đất cũng không được. Tuy nhiên, thuế đất cũng phải hướng tới giải quyết vấn đề cho cả nông dân, DN.

Bên cạnh vấn đề đất đai, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng. “Cái gì cũng phải minh bạch. Có quy chuẩn rõ thế nào là nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, để người tiêu dùng được lợi và DN chân chính không phải tốn thêm các phí không cần thiết, bị cạnh tranh không lành mạnh”, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True milk cho biết.

Làm chính sách phải từ thực tiễn

Theo các DN, Nhà nước phải có chính sách minh bạch, rõ ràng mới lôi cuốn được DN đủ tâm, đủ lực vào đầu tư. “Chính sách có rồi nhưng tại sao DN nông nghiệp công nghệ cao vẫn đếm trên đầu ngón tay, rõ ràng là không phù hợp với thực tiễn, không còn phù hợp thì phải thay đổi”, bà Thái Hương, TH True milk bày tỏ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp thì thể chế, chính sách là điều cốt lõi. Lực kéo đó nằm trong các văn bản, trong cách hành xử của từng cơ quan quản lý nhà nước từ cấp xã đến Trung ương. Tháo gỡ khó khăn phải đi vào từng điều khoản của các chính sách này.
Theo ông Cung, để gỡ khó chính sách thì phải đi từ thực tiễn “khổ sở” của DN, kết hợp với rà soát lại chính sách, luật lệ, cách thức tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước. Rà soát những lĩnh vực ưu tiên, kết hợp với DN đang gặp vướng, bằng chứng ở dưới mới thuyết phục được thay đổi chính sách bên trên.

Đồng quan điểm với các chuyên gia và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận, cần thiết phải xây dựng bộ chính sách phù hợp, ổn định lâu dài và minh bạch.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho biết, sẽ hẹn gặp từng DN để lắng nghe những khó khăn DN đang gặp phải, từ đó có những biện pháp tháo gỡ cụ thể. Những gì thuộc thẩm quyền của Bộ sẽ chỉ đạo xử lý ngay; những gì vướng mắc của các bộ, ngành khác sẽ liên hệ phối hợp để giải quyết. Đây là trách nhiệm và bổn phận mà Bộ, và các đơn vị trực thuộc Bộ phải thực hiện.

H.V
Cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp
Cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp

Kể từ khi công cuộc đổi mới ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước được triển khai, vùng đồng bằng sông Cửu Long như được đón “làn gió mới”, đưa vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước vượt qua những chông gai, khẳng định sự trường tồn mạnh mẽ của vùng châu thổ Chín Rồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN