Sau 20 năm nỗ lực, nhưng đến nay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở các công đoạn giản đơn là hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Theo cam kết gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực này sẽ giảm về mức 0%. Điều này sẽ trở thành áp lực rất lớn đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Lắp ráp ô tô tại Công ty 3-2. |
Việt Nam hiện có 18 doanh nghiệp (DN) FDI và 38 DN trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp với năng lực khoảng 460.000 xe/năm; trong đó có 200.000 xe con, 215.000 xe tải và các loại xe khác, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Mỗi năm, các DN này đóng góp hơn 1 tỷ USD cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô mới chỉ đạt từ 7-10%, khiến giá thành sản xuất cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng Giám đốc Ford Việt Nam Jesus Metelo Arias cho rằng, một trong những nguyên nhân kìm hãm việc phát triển ngành công nghiệp ô tô là do chính sách thay đổi quá nhanh, thậm chí còn mâu thuẫn nhau, lại thêm công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Cụ thể, Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng lại có hàng loạt chính sách hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân và đặc biệt là chính sách thuế linh kiện thường xuyên thay đổi, làm nản lòng các nhà đầu tư.
Trong khi đó, hiện Thái Lan đã đạt sản lượng 2,8 triệu xe, xuất khẩu khoảng 1 triệu chiếc và lọt vào top 10 nước xuất khẩu xe hàng đầu trên thế giới, đóng góp khoảng 12% GDP cho nước này. Thành công này có được là nhờ Chính phủ Thái Lan mở cửa ngành ô tô trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài; giảm thuế từ 30% xuống 20% cho các DN sản xuất ô tô, thấp hơn các nước trong khu vực.
Không chỉ có Thái Lan, Chính phủ Inđônêxia cũng đã xác định mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô ngay từ ban đầu là không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) Dương Đình Giám, chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan và Inđônêxia là những bài học kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam. Ông Giám cho rằng, Chính phủ vẫn xác định đây là ngành công nghiệp chủ lực và quyết tâm phát triển nhưng cách tiếp cận phải là tập trung kích thích cả khu vực sản xuất lẫn tiêu dùng.
Theo dự kiến, đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ lựa chọn dòng xe chiến lược dưới 9 chỗ, tập trung phát triển với số lượng lớn. Quan điểm xây dựng chính sách mới để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước là quan tâm tới nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời chọn một số phân khúc phát triển tốt để có chính sách ưu đãi, không thực hiện dàn trải như trước đây. Cùng với đó, quy hoạch cũng đưa ra nhiều mức khác nhau về tỷ lệ nội địa hóa, nhưng tối thiểu ở 20%.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Ford Việt Nam Jesus Metelo Arias, Thái Lan và Inđônêxia có thế mạnh sản xuất dòng xe dưới 9 chỗ, nếu Việt Nam cũng đi theo hướng này thì sẽ phải cạnh tranh rất lớn. Do đó, Nhà nước không nên giới hạn dòng xe mà để tự DN quyết định trên cơ sở điều tiết của thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam nên có chính sách hỗ trợ và chính sách thuế thấp hoặc bằng các nước trong khu vực bởi chi phí sản xuất của Việt Nam hiện cao hơn 20% so với các nước khác. Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng chính sách ổn định và bảo đảm cho thị trường; xây dựng các nhà cung ứng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo dự báo, sau năm 2020 sẽ là giai đoạn bùng nổ, phổ cập hóa ô tô với số lượng khoảng 400.000 xe/năm, tới năm 2030 khoảng 2 triệu xe/năm, đặc biệt là ô tô con dưới 9 chỗ chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu. Nếu sản xuất trong nước không đáp ứng được, đương nhiên sẽ phải nhường thị trường cho xe nhập khẩu nguyên chiếc và hàng năm nước ta sẽ phải chi trên 10 tỷ USD để nhập khẩu xe. Điều đó cũng có nghĩa là cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô sẽ không còn.
Toàn Xuyên