Tăng tốc thu phí không dừng

Cả nước hiện có khoảng 2 triệu phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC), chiếm gần 50% tổng số phương tiện cần dán, trong số này, chỉ có khoảng 50% phương tiện đã nạp tiền để sử dụng dịch vụ. Điều này cho thấy, mục tiêu vận hành hệ thống thu phí ETC tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc đã đạt được, nhưng hiệu quả không cao vì lượng người sử dụng còn thấp.

Người dân chưa “mặn mà” sử dụng

Sau gần một năm triển khai dịch vụ ETC ở các trạm thu phí trên toàn quốc, nhiều làn ETC rất ít phương tiện qua lại. Còn ở các làn thu phí thủ công 1 dừng, số lượng phương tiện đông, thậm chí ùn ứ vào giờ cao điểm. Nhiệm vụ đẩy nhanh số lượng phương tiện dán thẻ đang trở nên khó khăn đối với ngành Đường bộ.

Qua tìm hiểu, có rất nhiều lý do khiến người dân chưa mặn mà với việc sử dụng dịch vụ ETC. Rõ nhất là việc thu phí không dừng chưa mang tính cấp thiết đối với lái xe nói chung, vì tại nhiều trạm thu phí hiện nay trên toàn quốc, số làn thu phí không dừng vẫn ít hơn làn thu phí 1 dừng thu tiền mặt, nên lái xe chủ yếu trả tiền mặt cho tiện lợi. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân khiến đa phần không muốn phải bỏ sẵn một khoản tiền nhất định trong tài khoản để qua trạm, vì không đi thường xuyên.

Chú thích ảnh
Tăng tốc hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng.

Mặt khác, công tác truyền thông về lợi ích của hệ thống ETC đến người dân chưa sâu rộng và hệ thống ETC lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, quy trình vận hành bộc lộ nhiều bất cập, gây bất tiện cho lái xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) rà soát, toàn quốc hiện đã có 112 trạm thu phí đưa vào vận hành hệ thống ETC, trong đó Bộ quản lý 69 trạm, đã lắp đặt 351 làn, còn phải lắp 69 làn; địa phương quản lý 43 trạm, đã lắp 189 làn, còn phải lắp 62 làn. Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai ETC do có tính chất đặc thù.

Trao đổi về những bất cập của hệ thống ETC, lãnh đạo TCĐBVN cho biết, trong quá trình vận hành hệ thống vẫn còn tồn tại một số lỗi, gây bất tiện cho chủ phương tiện, như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền; nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện (chưa dán thẻ hoặc dán thẻ mà không nạp tiền hoặc thiếu tiền) vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí không dừng. Thực tế, vẫn còn rất nhiều lái xe chưa quan tâm, không sử dụng dịch vụ ETC vì thói quen sử dụng tiền mặt, e ngại làm quen với dịch vụ mới...

“Hệ thống ETC là dịch vụ tự chọn, chỉ có thể khuyến khích người sử dụng, khi các nhà cung cấp dịch vụ chứng minh sản phẩm thuận tiện, mang lại lợi ích. Muốn vậy, những bất cập trong vận hành hệ thống ETC phải được khắc phục triệt để, đường dây nóng phải thông suốt, kịp thời xử lý bất cập cho khách hàng”, GS.TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội nhận xét.

Tăng tốc đảm bảo mục tiêu của Chính phủ

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT cần quyết liệt kiểm tra, tăng tốc lắp đặt hệ thống ETC đối với các trạm thu phí còn lại, tạo điều kiện cho người dân sử dụng dịch vụ như mở tài khoản, dán thẻ... đảm bảo đến tháng 6/2022, trên 90% phương tiện được dán thẻ ETC. Ngay trong quý I/2022, tất cả các tuyến cao tốc chỉ giữ lại một làn thu phí có dừng (thu thủ công), tiến tới lựa chọn một số tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng, đóng hoàn toàn việc thu phí thủ công.

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP-Bộ GTVT), trong 97 tuyến quốc lộ, cao tốc hiện nay, có 83 tuyến đã lắp đặt hệ thống ETC, 14 tuyến chưa lắp đặt do các yếu tố đặc thù như doanh thu quá thấp, thời gian thu phí còn lại dưới 3 năm. Bốn dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa triển khai do vướng mắc về nguồn vốn, phải chờ cấp có thẩm quyền quyết định tái cơ cấu. Việc triển khai hệ thống ETC sẽ khắc phục bất cập của hình thức thu phí một dừng, đảm bảo an toàn giao thông, công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí và giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh hiện nay.

Dự án ETC trên các tuyến cao tốc được triển khai từ năm 2015. Khi sử dụng dịch vụ thu phí tự động, ô tô sẽ được gắn thẻ định danh trên kính hoặc đèn xe. Khi xe dán thẻ đi vào làn ETC, hình ảnh và thông tin phương tiện được chuyển tự động về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe; nếu xe đủ điều kiện, thanh chắn sẽ mở.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN, Tổng cục đang yêu cầu các nhà đầu tư BOT khẩn trương thiết kế bổ sung hệ thống, mua sắm trang thiết bị để hoàn thành việc tăng số làn thu phí không dừng theo quy định vào quý I/2022. Dự án nào không lắp đặt hệ thống ETC sẽ đóng các làn thu phí thủ công. Việc này nhằm tiến tới tại các trạm thu phí chỉ có 1 làn hỗn hợp ETC và MTC (1 làn hỗn hợp ETC và thủ công). Tại những làn chỉ ETC sẽ không có nhân viên ngồi trong cabin.

TCĐBVN sẽ thực hiện thí điểm "thuần ETC" trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, không thực hiện thu phí thủ công. Chỉ có phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ mới được lưu thông trên tuyến. Trước khi thực hiện thí điểm, TCĐBVN sẽ tuyên truyền rộng rãi trong 4 tháng để người dân nắm được thông tin và chuẩn bị dán thẻ ETC trong thời gian từ nay đến hết quý I/2022. Sau thời gian này, xe không có đủ điều kiện thu phí không dừng sẽ không được lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Mục tiêu khi thí điểm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ ETC. Sau thời gian thí điểm sẽ nhân rộng ra các tuyến cao tốc trong cả nước, đặc biệt đối với cao tốc Bắc Nam sau khi hoàn thành.  
Đăng Sơn/Báo Tin tức
Bộ Giao thông vận tải thanh tra các dự án thu phí không dừng trên toàn quốc
Bộ Giao thông vận tải thanh tra các dự án thu phí không dừng trên toàn quốc

Thanh tra Bộ Giao thông vận tải vừa công bố quyết định kiểm tra việc triển khai thực hiện dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, giai đoạn 1 (Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng giai đoạn 1-BOO1) và giai đoạn 2 (Dự án thu phí sử dụng đường bộ không dừng giai đoạn 2-BOO2).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN