Đổi mới quan điểm, hỗ trợ đầu tư
Với quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án quy mô lớn, có tính định hướng, tạo sức lan toả để đưa vào danh mục ưu tiên trong các khu công nghiệp của tỉnh, như: chế biến sâu nông lâm sản, khoáng sản; sản xuất vật liệu mới; sản xuất công nghiệp hỗ trợ; sản xuất hàng tiêu dùng; xử lý, tái chế chất thải tập trung...
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: tỉnh đang tập trung làm tốt công tác quy hoạch; thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường của dự án là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng với đó, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, phù hợp với định hướng đặt ra của tỉnh.
Đối với nhà đầu tư lớn, dự án sử dụng công nghệ hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, tỉnh Yên Bái sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù, thành lập tổ công tác có đủ thẩm quyền để đồng hành cùng doanh nghiệp từ khi khảo sát đến khi đưa dự án vào hoạt động. Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp khác để tạo ra hệ sinh thái, gắn với mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nhằm phát triển các vùng nguyên liệu bền vững, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Ngoài ra, tỉnh có chính sách đủ mạnh để Ban quản lý các khu công nghiệp thực hiện nhanh nhất công tác giải phóng mặt bằng; việc thẩm định dự án được tiến hành chặt chẽ, khẩn trương nhưng đúng quy định pháp luật; thu hút đầu tư phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ưu tiên dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, từ chối những dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera - đơn vị chủ đầu tư Dự án Khu công nghiệp Trấn Yên giai đoạn I cho biết, toàn bộ thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết; công tác giải phóng mặt bằng luôn được Ban quản lý khu công nghiệp phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thực hiện các trình tự, thủ tục bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất; các thủ tục về xây dựng, bảo vệ môi trường, vận hành và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp được hướng dẫn tận tình, chu đáo…
Đặc biệt, Yên Bái tiếp tục tăng thêm chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ một phần vốn cho nhà đầu tư với mức hỗ trợ 300 triệu đồng/ha, tổng mức hỗ trợ không quá 20 tỷ đồng cho mỗi khu công nghiệp và không quá 10 tỷ đồng cho mỗi cụm công nghiệp; cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư từ 35 - 50% so với quy định của pháp luật; hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất đối với dự án sử dụng công nghệ cao, với mức không quá 3 tỷ cho 1 dự án.
Tận dụng lợi thế, thu hút đầu tư
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã quy hoạch 8 khu công nghiệp với diện tích gần 2.100 ha và 25 cụm công nghiệp với diện tích hơn 1.300 ha; trong đó, 4 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt, đưa vào khai thác với diện tích gần 1.000 ha và 12 cụm công nghiệp do tỉnh Yên Bái phê duyệt với tổng diện tích 550 ha.
Nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của tỉnh và sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trong 3 năm trở lại đây đã thu hút được 88 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư trên 15.000 tỷ đồng; trong đó, có 38 dự án đi vào sản xuất; 23 dự án đã khởi công, đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản; 27 dự án đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đưa tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt gần 90%.
Ông Trịnh Huỳnh Yên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết, danh mục các dự án thu hút đầu tư vào khu công nghiệp dựa trên cơ sở phát huy lợi thế vùng nguyên liệu của địa phương, trọng tâm là ngành chế biến nông lâm sản và khoáng sản. Hiện nay, phần lớn các dự án đang hoạt động thuộc nhóm này, điều đó cho phép hình thành liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gắn kết vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến; thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và đăng ký chỉ dẫn địa lý...
Thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái cho thấy, hiện các khu công nghiệp đã thu hút 15 dự án chế biến đá vôi trắng với công suất 1,3 triệu tấn/ năm; 11 dự án chế biến gỗ rừng trồng, công suất 1,4 triệu m3 và hơn 1 triệu sản phẩm đồ gỗ nội thất mỗi năm... giải quyết việc làm cho hơn 3,5 nghìn lao động địa phương, chiếm 21% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 24% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh Yên Bái nhanh chóng triển khai xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đã quy hoạch để thu hút một số dự án có quy mô vừa và lớn trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm chè cao cấp, tinh bột sắn, tinh dầu quế, măng tre, tơ tằm, thủy sản và rau quả đặc sản vùng cao, phát huy lợi thế của từng địa phương, phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai; hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ phát triển công nghiệp, đảm bảo điều kiện để các dự án vận hành hiệu quả.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Hạnh Phúc cho biết thêm, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ là đơn vị đầu mối, phối hợp với các địa phương để xây dựng cơ chế, hình thành cơ chế liên kết theo chuỗi giá trị bền vững, trên cơ sở gắn kết vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu sơ chế nông lâm sản, rau quả đặc sản.