Hiệu quả của nguồn vốn chính sách trên quê hương Yên Bái

Theo đánh giá của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái: Công cuộc giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững của tỉnh đã đạt được những kết quả to lớn. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò “trụ cột”, góp phần quan trọng, đáng ghi nhận trong thực hiện công cuộc giảm nghèo suốt hơn 20 năm qua, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần theo từng năm.

Chú thích ảnh
Điểm giao dịch xã của NHCSXH tỉnh Yên Bái giải ngân trong tháng cuối năm 2024.

Tính đến thời điểm này, số hộ nghèo của tỉnh là 12.575 hộ, tương ứng 5.68% (giảm 7.647 hộ, giảm 3,48% so với năm 2023), đạt 105,5% so với mục tiêu đề ra. Trong đó, huyện Mù Cang Chải có tỷ lệ giảm cao nhất (10,03%), tiếp đến là huyện Trạm Tấu (6,76%), Văn Chấn  (4,96%), Lục Yên (4,83%)....

Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Thanh Hải, cho biết: Điểm thuận lợi nhất trong hoạt động của NHCSXH tỉnh là việc lãnh đạo địa phương luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo, cũng như thống nhất cao về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng chính sách trao đổi với hộ dân tộc vay vốn ưu đãi.

Ngay từ những năm tháng đầu thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là sau 10 năm triển khai chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thực sự quan tâm, chú trọng công tác chỉ đạo hoạt động của tín dụng chính sách.

Cùng với đó, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách cho NHCSXH, để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đồng thời, chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về nơi làm việc cho các phòng giao dịch, điểm giao dịch xã của NHCSXH. 

Chú thích ảnh
Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Thanh Hải, thăm hỏi, tặng quà hộ vay vốn chính sách gặp khó khăn do thiên tai mưa bão số 3.

Hàng năm, UBND tỉnh và 9 huyện, thành phố trực thuộc, đều bổ sung kịp thời, ủy thác sang NHCSXH vốn ngân sách để cho hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Tính đến cuối năm 2024, vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là 257 tỷ đồng, tăng 118,4 tỷ đồng so với năm 2023, nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của đơn vị lên 5.501 tỷ đồng, tăng 627 tỷ đồng so với năm 2023.

Ưu tiên nguồn lực “rót” vốn đến từng hộ nghèo

Đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách ở miền quê Yên Bái- “cửa ngõ phên đậu” vùng Tây Bắc, luôn gắn bó với bản làng, với nhân dân, đồng hành, hướng dẫn bà con vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn vay vào sản xuất, kinh doanh. 

Những cán bộ tín dụng chính sách nơi đây không quản ngại gian nan, vất vả, tháng ngày bám sát cơ sở, bền bỉ tận tụy xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống 2.322 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, cùng 682 các cấp tổ chức đoàn thể, chuyển hơn 5.500 tỷ đồng vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Chính sách về cùng nguồn vốn, các chương trình phát triển kinh tế được kiện toàn lại, thế mạnh nông, lâm nghiệp được lựa chọn. Từ thành phố đến nông thôn, trên vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải đến các xã đặc biệt khó khăn ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên, người nghèo và các đối tượng chính sách đều được tiếp cận vốn vay, đầu tư phát triển kinh tế, ổn định, cải thiện cuộc sống.

Chú thích ảnh
Nhiều hộ đã sử dụng hiệu quả vốn vay để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Tại huyện Mù Cang Chải, nguồn vốn chính sách đã giúp địa phương tái cơ cấu nông nghiệp, phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng rừng cây nguyên liệu giấy, góp phần thiết thực giảm tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất tỉnh, với con số giảm năm 2024 là 1.298 hộ nghèo, tương ứng giảm 10,03% so với năm 2023.

Ông Thào A Phổng, ở bản Hua Khắt, xã Nặm Khắt, nhờ vốn chính sách đã mở được trang trại chăn nuôi lợn rừng,  kết hợp với trồng cây ăn quả, mỗi năm thu lợi hơn 200 triệu đồng, lại còn thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo, đạt danh hiệu thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.

Còn ở huyện Lục Yên, nơi cách xa tỉnh lỵ Yên Bái hàng trăm km, từng chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 hồi đầu tháng 9/2024 gây ra, dòng vốn tín dụng chính sách vẫn được chảy đều đặn, hỗ trợ kịp thời cho 100% hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi, chủ động vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.  Đã có hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng từ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước; đơn cử như ông Hoàng Văn Nguyên, ở xã Đồng Quan. đã sử dụng vốn vay NHCSXH dành cho hộ nghèo, cùng hàng trăm triệu đồng vay bổ sung thuộc chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, để khôi phục trồng mới toàn bộ diện tích rừng keo, quế bị mưa to, bão lớn tàn phá, nay cả rừng cây công nghiệp đã xanh tươi trở lại. Hay bà Đặng Thị Ninh, thôn làng Chờ, xã An Lạc, cũng sử dụng 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, khôi phục và cải tạo lại xưởng chế biến ván ép bị đổ nát bởi gió bão vừa qua…..

Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tập trung chuyển tải mọi nguồn vốn ưu đãi về đúng các địa chỉ và đối tượng thụ hưởng, phấn đấu thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới.

Đông Dư
Tuyên truyền sâu rộng những điển hình sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng chính sách xã hội
Tuyên truyền sâu rộng những điển hình sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng chính sách xã hội

Ngày 26/12, Thời báo Ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Lễ tổng kết Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách Xã hội – Ý Đảng lòng dân”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN