Vừa qua, Trung Quốc có quyết định tạm dừng nhập khẩu mặt hàng tôm sú tươi sống của Việt Nam. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đã tiến hành tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời đưa ra biện pháp xử lý để kiểm soát chặt về an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này.
Ảnh hưởng với số lượng nhỏ
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), Cục này đã nhận được thông báo ngày 23/10/2012 từ Tổng cục Giám sát chất lượng, Thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) về việc phát hiện nhiễm virút gây bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV) trong các lô hàng tôm sú sống của Việt Nam. Vì thế, phía Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu mặt hàng này. Đồng thời, phía Trung Quốc cũng đề nghị Việt Nam có biện pháp kiểm soát bệnh IHHNV đối với mặt hàng tôm sống xuất khẩu vào nước này.
Thu hoạch tôm sú tại trang trại xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). |
Sau khi nhận được thông báo đó, phía Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác làm việc với phía Trung Quốc về vấn đề này và đã về nước. Trở về từ chuyến công tác, ông Nguyễn Như Tiệp thông tin cho báo chí: “Theo quy định, phía Trung Quốc lấy mẫu kiểm tra các mặt hàng ngẫu nhiên và phát hiện ra loại virút mới này, sau đó họ tiếp tục lấy mẫu tăng cường và vẫn phát hiện nhiễm nhiều virút IHHNV trong tôm sú tươi sống”.
“Quyết định tạm dừng nhập khẩu của Trung Quốc không ảnh hưởng đến uy tín tôm Việt Nam. Mục đích của Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu mặt hàng này là để kiểm soát dịch bệnh hại, sợ lây lan sang các vùng nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc. Khi nước ta thực hiện theo đúng yêu cầu của phía bạn và có văn bản đề nghị, họ sẽ xem xét cho nhập khẩu trở lại”, đại diện Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản khẳng định.
Thống kê cho thấy, lượng tôm sống xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc không lớn. Năm 2011, nước ta xuất chính ngạch mặt hàng tôm tươi sống sang thị trường này là 1.828 lô với 2.063 tấn. Đến hết tháng 10/2012, lượng xuất khẩu giảm, chỉ còn 568 tấn. Lô hàng xuất rất nhỏ, theo đường máy bay và chủ yếu cung cấp cho thị trường Bắc Kinh và Thượng Hải.
Riêng lĩnh vực thủy sản, đến tháng 10/2012, Việt Nam đã thực hiện đăng ký trước và Trung Quốc đã công nhận 542 doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong chuyến công tác tại Trung Quốc vừa qua, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đề xuất thêm và có thêm 14 doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Trong số 542 doanh nghiệp của Việt Nam đã được Trung Quốc công nhận, chỉ có 5 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu mặt hàng tôm tươi sống.
Mặt khác, việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu chỉ là đối với tôm sống, còn tôm đông lạnh (đã được chế biến bóc vỏ, bỏ đầu, đưa vào bảo quản lạnh...) - mặt hàng xuất khẩu chính của nước ta - thì có rất ít nguy cơ tồn tại loại virút này.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các thành viên của hiệp hội sẽ không bị ảnh hưởng nhiều với quyết định tạm dừng nhập khẩu này. Bởi tất cả các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đều xuất khẩu mặt hàng đã qua chế biến.
Rà soát, nắm tình hình dịch bệnh
Tuy lượng tôm tươi sống xuất sang Trung Quốc không lớn nhưng nếu xuất được mặt hàng này thì giá trị rất cao. Do đó, việc thực hiện kiểm soát thật tốt theo yêu cầu của phía nước bạn là việc cần phải làm sớm để giữ được thị trường và làm phong phú mặt hàng thủy sản xuất khẩu.
“Sau khi Trung Quốc phát hiện ra loại virút IHHNV, họ yêu cầu chúng ta phải đăng ký cả danh sách các cơ sở cung ứng (nuôi trồng) các mặt hàng tôm tươi sống. Đồng thời, yêu cầu kèm theo giấy chứng nhận đã kiểm dịch an toàn đối với loại virút IHHNV”, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết.
Vì thế, trước mắt, để triển khai các biện pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của phía đối tác thương mại, Cục Quản lý chất lượng đã có yêu cầu gửi các cơ sở bao gói tôm sống xuất khẩu vào Trung Quốc cũng như các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng. Cụ thể, Cục yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh có xuất khẩu tôm sống sang Trung Quốc trong năm 2011 và 2012 phải rà soát và lập danh sách các cơ sở nuôi cung cấp tôm sú sống, liên hệ với các cơ sở nuôi trong danh sách và cơ quan thú y địa phương để có các thông tin về tình hình dịch bệnh và các kết quả kiểm tra giám sát bệnh IHHNV của cơ sở nuôi. Đồng thời, báo cáo về Trung tâm vùng trên địa bàn trước ngày 20/11. Các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng cần phổ biến nội dung công văn tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh có xuất khẩu tôm sú sống sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, tổng hợp báo cáo các doanh nghiệp gửi về Cục Quản lý chất lượng trước ngày 25/11.
Song song với việc tăng cường các biện pháp kiểm soát nói trên, theo nhiều ý kiến, để tránh việc phụ thuộc và ảnh hưởng bởi các trường hợp tương tự, nên chú trọng nhiều hơn tới xuất khẩu sản phẩm chế biến. “Cố gắng xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến và hạn chế xuất mặt hàng tươi sống. Như vậy, vừa để tăng thu nhập cho bà con nông dân, vừa bảo đảm chất lượng và giá trị mặt hàng xuất khẩu”, ông Trương Đình Hòe bày tỏ quan điểm.
Mạnh Minh