Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết: Diện tích đạt tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng xoài là 8.368 ha; trong đó, đạt chứng nhận an toàn, tiêu chuẩn VietGAP 42,3 ha; diện tích sản xuất chuyển đổi hữu cơ, chứng nhận hữu cơ đạt 280 ha. Có 13 sản phẩm OCOP từ xoài đạt 3 sao.
Đạt hiệu quả cao trong sản xuất xoài, tỉnh Đồng Tháp có các mô hình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn hữu cơ được thực hiện tại ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình với quy mô 5 ha/8 hộ. Mô hình thực hiện giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, năng suất đạt 4,5 tấn/ha; giá thành sản xuất trong mô hình 24.502 đồng/kg thấp hơn 2.879 đồng/kg so với ngoài mô hình. Lợi nhuận mô hình 74,24 triệu đồng/ha, cao hơn 12,956 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Ngành hàng xoài còn có mô hình sản xuất xoài an toàn và dịch vụ “Cây xoài nhà tôi”, du lịch trải nghiệm nông nghiệp ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh. Cây xoài nhà tôi bán với giá từ 6 - 7 triệu đồng/cây. Bằng ý tưởng kinh doanh độc đáo này, đơn vị Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã nhận được khá nhiều đơn hàng trồng xoài qua mạng từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,… Các hộ trong mô hình ứng dụng nhật ký điện tử trong dịch vụ "Cây xoài nhà tôi" trên phần mềm Facefarm, giúp khách hàng có thể thấy được trực tiếp hình ảnh người nông dân đang canh tác trên cây xoài mà họ sở hữu qua mã QR, có thể bán trực tiếp cây xoài qua mạng.
Ông Nguyễn Văn Mách ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết: Ông thực hiện mô hình “Cây xoài nhà tôi” trồng theo hướng hữu cơ với diện tích hơn 1,2 ha, trồng 75 “Cây xoài nhà tôi” vừa qua bán với giá 7 triệu đồng/cây. Với mô hình này, trừ các khoản chi phí, ông Mách thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Để trái xoài bán được giá cao như hiện nay, theo ông Đoàn Thanh Hiền ở Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương cho biết, ông chọn mô hình trồng xoài rải vụ để giúp điều tiết sản lượng xoài cung ứng trong năm, cân bằng cán cân cung cầu, giúp thu được lợi nhuận cao.
Theo các nhà vườn, mô hình canh tác xoài rải vụ nơi đây giá bán cao hơn xoài chính vụ từ 1,5 - 2 lần. Kết quả trồng xoài rải vụ đã khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp cho nhà vườn thu nhập cao hơn, giá cao hơn xoài thường hơn 10.000 đồng/kg, lãi từ xoài rải vụ từ 200 - 220 triệu đồng/ha.
Bà Võ Phương Thủy - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: Đối với ngành hàng xoài, ở tỉnh có 8 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Nông sản Song Nhi, Công ty TNHH MTV Long Uyên, Công ty TNHH Westernfarm, Công ty CP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Thạch Võ, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức, 2 vựa xoài cùng các siêu thị Big C, Co.opmart,... liên kết tiêu thụ với 5 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và nông dân. Đồng thời có 56,6 ha chứng nhận VietGAP có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.
Tỉnh phối hợp với Công ty CP Rynan Technologies Việt Nam triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh với quy mô 500 ha tại xã Mỹ Xương. Đối với ngành hàng xoài được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh, hiện có 25 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến từ các nguyên liệu xoài, một số sản phẩm chính như: xoài sấy dẻo, cấp đông, nước ép, rượu xoài… Ước tính sản phẩm xoài sau chế biến 735 tấn thành phẩm/năm tương đương 7.350 tấn xoài nguyên liệu, chiếm 5,07% xoài nguyên liệu của tỉnh.
Để ngành hàng xoài ngày càng phát triển, Đồng Tháp tích cực đưa sản phẩm xoài tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, nhà phân phối trong nước và còn vận động doanh nghiệp đưa trái xoài, sản phẩm từ xoài xuất khẩu sang thị trường Nga, Trung Quốc, Pháp, Hà Lan,... đặc biệt xuất khẩu sang 4 quốc gia, thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU...