Tạm thời chưa tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng từ 1/11

Cục Bảo vệ thực vật cho biết tạm thời chưa áp dụng biện pháp tái xuất lúa mì nhập khẩu có nhiễm cỏ kế đồng từ 1/11/2018.

Chú thích ảnh
Lúa mì trên cánh đồng tại Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/10, Cục Bảo vệ thực vật đã họp với các nhà khoa học, doanh nghiệp về vấn đề xử lý lúa mì nhập khẩu có nhiễm cỏ kế đồng (Cirsium Arvense).

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, tạm thời chưa áp dụng biện pháp tái xuất lúa mì nhập khẩu có nhiễm cỏ kế đồng từ 1/11/2018.

Cục sẽ làm việc với các doanh nghiệp cũng như các nước xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam để tìm ra giải pháp, đặc biệt với 3 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lúa mì lớn là: Hoa Kỳ, Nga và Canada. Cục sẽ đàm phán, bàn giải pháp để có thể đạt được phương án giải quyết hiệu quả. Nếu các giải pháp đưa ra mà không giải quyết được sẽ phải áp dụng biện pháp tái xuất và Cục sẽ thông báo cho doanh nghiệp biết trước 1 tháng.

Từ tháng 5 đến nay, lúa mì nhập khẩu về Việt Nam bị nhiễm cỏ kế đồng với 1,6 triệu tấn trong tổng số gần 4 triệu tấn lúa mì nhập khẩu. Từ tháng 5, Cục Bảo vệ thực vật  đã bố trí cán bộ phối hợp doanh nghiệp đưa ra biện pháp xử lý và quản lý hàng hóa.

Tuy nhiên, tình trạng này đến nay không giảm, thậm chí có xu hướng tăng. Các biện pháp áp dụng tạm thời chưa đem lại kết quả thay đổi đáng kể. Theo thông lệ quốc tế sẽ phải tiến tới áp dụng biện pháp hiệu quả hơn. 

Theo ông Hoàng Trung, lúa mì bị nhiễm cỏ kế đồng là vấn đề của kiểm dịch thực vật chứ không phải an toàn thực phẩm. Nếu cỏ này có ở Việt Nam sẽ có nguy cơ bị các thị trường nhập khẩu nông sản Việt đóng cửa hoặc các nước sẽ áp dụng biện pháp kiểm dịch cao hơn. Trong khi đó, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu trên 20 tỷ USD là sản phẩm từ trồng trọt.

“Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có văn bản nào cấm nhập khẩu hoặc ngừng nhập khẩu mặt hàng này. Cục đang cố gắng cùng các doanh nghiệp áp dụng biện pháp khả thi nhất. Nếu phải áp dụng biện pháp tái xuất thì cũng là biện pháp rất bình thường”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Trung, giải pháp hiện nay chỉ là giải pháp tức thời, không thể để lâu dài. Cục đã và phải huy động 20-30 cán bộ kiểm dịch từ Bắc vào Nam để giám sát. Có ngày 3-4 tàu hàng về, có tàu đi đến trên 40 điểm, trong khi hàng hóa về phải được giám sát từ cầu cảng đến khi đưa về kho. Đây là rất khó khăn và không có nước nào làm như vậy. 

Ông Dương Minh Tú - Giám đốc Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật cho biết, cỏ kế đồng được cho là có nguồn gốc tại vùng Địa Trung Hải, châu Âu sau đó lây lan sang Hoa Kỳ, Canada và một số quốc gia khác do nhập khẩu, vận chuyển các lô hàng bị nhiễm hạt của loài cỏ này. Loài cỏ này có khả năng thích nghi và phát triển tại nhiều vùng sinh thái khí hậu và đất đai khác nhau.

Đến nay, loài cỏ này đã xuất hiện tại các châu lục trên toàn thế giới (trừ châu Nam Cực) như: Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Đại dương. Chúng có thể xuất hiện và gây hại tại các vùng khí hậu cận nhiệt đới và nhiệt đới, có khí hậu tương tự Việt Nam như: Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Australia…

Trước những tác hại của loại cỏ này, ông Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho rằng, đây là đối tượng kiểm dịch loại 1 của Việt Nam. Việt Nam chưa có cỏ kế đồng là vô cùng may mắn, cần phải có các biện pháp để không cho loại cỏ này vào Việt Nam.

Với các nhà khoa học, bài học của cây mai dương vẫn còn đó. Khi loại cỏ này vào Việt Nam còn có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam. Khi đó, nó không chỉ gây thiệt hại về năng suất mà còn tốn kém chi phí diệt trừ. Vì lợi ích quốc giá, vì nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, việc kiểm soát chặt cỏ kế đồng là hết sức cần thiết. Việc tái xuất những lô hàng nhiễm loại cỏ này ngăn chặn không cho vào Việt Nam là việc phải làm.

Cỏ kế đồng là loài cỏ có khả năng xâm hại cao, có thể gây hại nghiêm trọng cho hơn 27 loại cây trồng (ngô, đậu tương, các loại đậu đỗ, hành, tỏi, ơt, các loại dưa, bông, cải bắp, cà rốt, các loại cây họ hoa thập tự, bầu bí, cà chu, khoai tây, cà, nho….), xâm lấn đồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia.

Chính vì vậy, nhiều nước và vùng lãnh thổ như: Australia, Brazil, Argentina, Mexico, Israel, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… xếp loại cỏ này là đối tượng kiểm dịch thực vật phải kiểm soát nghiêm ngặt để không cho xâm nhập, lây lan theo hàng hoá nhập khẩu vào trong nước.

Ngay tại Hoa Kỳ, loài cỏ này được xếp vào danh sách nhóm 1 - các loài cỏ gây hại nguy hiểm và xâm hại vì rất khó phòng trừ (phải dùng các loại thuốc trừ cỏ như Paraquat, Glyphosate…) và khả năng lây lan rất nhanh, sức chống chịu và thích nghi với môi trường rất tốt. Hàng năm, riêng tại Hoa Kỳ, loài cỏ làm giảm năng suất, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế hàng chục triệu USD và mất thêm hàng chục triệu USD chi phí phòng trừ chúng.
Bích Hồng (TTXVN)
Vượt Mỹ-Canada, Nga thành nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu
Vượt Mỹ-Canada, Nga thành nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu

Năm 2015, Nga xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn lúa mì, chính thức vượt Canada và Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN