Đây là một trong những vấn đề được TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và nhóm nghiên cứu, đề cập trong Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”.
Tái thiết niềm tin
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển “nóng”, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bộc lộ hàng loạt điểm nghẽn, từ hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đến rủi ro tiềm ẩn trong phát hành riêng lẻ, khiến niềm tin của nhà đầu tư suy giảm nghiêm trọng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, mục tiêu cấp bách là giải quyết tình trạng trái phiếu đáo hạn quy mô lớn và hiện tượng chậm thanh toán khiến niềm tin của nhà đầu tư bị sụt giảm; cần sớm cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành ra công chúng để khuyến khích doanh nghiệp phát hành theo kênh này nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cần khôi phục niềm tin thị trường bằng cách thiết lập cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, xử lý nghiêm các sai phạm và minh bạch thông tin phát hành, đặc biệt trong các trường hợp trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc xếp hạng tín nhiệm thấp; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp công bố xếp hạng tín nhiệm, không chỉ giới hạn ở trái phiếu mà mở rộng cho cả hoạt động tài chính tổng thể, nhằm nâng cao chuẩn mực minh bạch và quản trị doanh nghiệp.
Về lâu dài, 5 nhóm giải pháp trọng tâm được nhóm nghiên cứu đưa ra trong báo cáo nhằm nâng tầm thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu, bao gồm cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm tạo chuẩn về lãi suất; hoàn thiện hạ tầng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về trái phiếu, tài sản đảm bảo; hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường.
Đồng thời, TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh yếu tố cần thiết phải đa dạng hóa và cải thiện chất lượng nhà đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp; đặc biệt, việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.
Nỗ lực điều tiết
Nhìn lại giai đoạn 2019–2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Tổng khối lượng phát hành đạt khoảng 1,04 triệu tỷ đồng, tăng hơn 50% mỗi năm, đưa dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lên mức 14,75% GDP.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng sự phát triển trồi sụt trong giai đoạn vừa qua của trái phiếu doanh nghiệp khiến cho kênh này vẫn chưa phát huy được hiệu quả dẫn vốn, nhóm phát hành chủ yếu vẫn là các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản, chiếm tới 60-70% lượng phát hành trên thị trường.
"Đáng nói, quy mô trái phiếu doanh nghiệp hiện chỉ khoảng 1 triệu tỷ đồng, rất khiêm tốn so với quy mô vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng là khoảng 15 triệu tỷ đồng. Ước tính trong năm 2025-2026 sẽ có khoảng 200.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, áp lực không hề nhỏ", vị chuyên gia nêu rõ.
Lượng trái phiếu đến hạn lớn, trong khi năng lực tài chính của một số doanh nghiệp phát hành lại gặp khó khăn sẽ dẫn tới nguy cơ mất khả năng thanh toán dây chuyền nếu không có giải pháp xử lý tổng thể.
Nhận diện rõ các bất cập, từ giữa năm 2022, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có những động thái mạnh mẽ để siết chặt kỷ cương và củng cố khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu. Kết quả là trong giai đoạn 2023–2024, lượng phát hành và thanh khoản dần phục hồi. Các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành với nhiều nội dung quan trọng như tăng tiêu chuẩn công bố thông tin, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, giới hạn đối tượng nhà đầu tư cá nhân… đồng thời cũng khuyến khích doanh nghiệp minh bạch và phát hành qua kênh công khai.
Trong thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ nhiều yếu tố thuận lợi. Báo cáo chỉ rõ triển vọng tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao; mặt bằng lãi suất được kiểm soát ở mức thấp, tạo điều kiện cho chi phí phát hành trái phiếu hợp lý; và đặc biệt là sự hoàn thiện dần của hạ tầng thị trường cũng như khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao tính minh bạch và quản lý rủi ro.
Tuy nhiên, để thị trường thực sự trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả, thay vì gây rủi ro hệ thống, điều quan trọng là phải triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, có lộ trình và gắn chặt với thực tiễn quản lý.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ là bài toán tài chính, mà còn là bài toán thể chế, hạ tầng và quản trị niềm tin. Việc khơi thông thị trường, nâng chuẩn phát hành, đa dạng hóa nhà đầu tư và kiểm soát rủi ro sẽ là những trụ cột quan trọng để xây dựng một thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh – nơi doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dài hạn hiệu quả và nhà đầu tư an tâm đồng hành.
Bên cạnh những dự báo và kiến nghị về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025” còn đưa ra các nhận định chung về kinh tế Việt Nam trong năm nay. Cụ thể, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 theo kịch bản cơ sở nếu mức thuế được đàm phán xuống 20–25%, GDP có thể đạt 6,5–7%; kịch bản tích cực khi thuế chỉ còn 10%, tăng trưởng có thể lên tới 7,5–8%. Lạm phát bình quân dự kiến dao động từ 4 – 4,5%.
Với kịch bản cơ sở, các chỉ tiêu tài chính năm 2025 được dự báo tích cực: tín dụng tăng từ 14–15%, lợi nhuận hệ thống ngân hàng tăng 15–20%, lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp và tiếp tục giảm nhẹ. Tỷ giá USD/VND dự báo tăng khoảng 3–4%, trong khi thị trường chứng khoán có cơ hội bứt phá nếu được nâng hạng. Mảng bảo hiểm cũng được kỳ vọng hồi phục nhờ tâm lý thị trường cải thiện.
Đặc biệt, chính sách tiền tệ được đánh giá sẽ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Khung pháp lý cho thị trường tài chính sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, trong đó có thể kể đến Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, chính sách cho tài sản số và tiền kỹ thuật số, cùng kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết: Đây là năm thứ tư liên tiếp BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp công bố Báo cáo về "Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng" sản phẩm đánh giá toàn diện và độc lập duy nhất hiện nay về các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quỹ đầu tư.
"Cho đến nay đây là báo cáo duy nhất đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm. Chúng tôi tin rằng chuỗi báo cáo này đã, đang và sẽ góp phần cung cấp thông tin toàn diện, độc lập, khách quan và minh bạch về thị trường tài chính Việt Nam. Đồng thời, báo cáo cũng nhận diện những xu hướng, cơ hội và các thách thức của thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị có ý nghĩa thực tiễn góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam an toàn, hiệu quả và bền vững", ông Phương cho hay.