Đồng thời, tập trung nhóm sản phẩm thuộc công đoạn đầu cuối, nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất cho các ngành và các sản phẩm phụ trợ với giá trị gia tăng cao, việc sản xuất đòi hỏi công nghệ cao.
Đây là những vấn đề cấp thiết mà các chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh phải có giải pháp đồng bộ trong tái cơ cấu sản phẩm chủ lực cho ngành công nghiệp.
Xây dựng cụm liên kết ngành "mở"
TP Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện để trở thành địa phương giữ vai trò “đầu tàu” về kinh tế nhờ vị trí thuận lợi, hội tụ được dịch vụ hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh để doanh nghiệp phát triển; trong đó có ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương khác trong cả nước luôn ưu tiên chọn TP Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ...
Ghi nhận thực tế tại thành phố tập trung nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong cả nước nhưng các doanh nghiệp này chưa chú trọng đến việc phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh ở các địa phương trong nước, mà đa phần nhập hàng hóa trung gian từ nước ngoài. Do vậy, chưa phát huy được vai trò đầu tàu, chưa tạo ra được nhu cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương khác phát triển.
Dẫn chứng cụ thể, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, tính đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hình thành được “cụm liên kết ngành mở” trong quá trình phát triển. Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hoạt động khá rời rạc, không kết nối được với nhau thành chuỗi để hỗ trợ nhau trong phạm vi TP Hồ Chí Minh liên kết doanh nghiệp các địa phương khác.
Đồng thời, ngành thâm dụng lao động có thể kể đến như dệt may, da giày, cơ khí đơn giản, lương thực thực phẩm... đang mất dần ưu thế, trong khi không ít doanh nghiệp vẫn loay hoay với vấn đề hội nhập kinh tế và đón nhận cuộc cách mạng 4.0, công nghệ số.
Mặt khác, dịch vụ hỗ trợ sản xuất của doanh nghiệp cũng chưa hoàn thiện, nên chưa tạo nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp của TP Hồ Chí Minh phát triển và tạo ra sức bật mạnh mẽ; trong đó, có thể kể đến hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, nước… đang chịu sức ép quá tải trong khi ngân sách, nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng chưa tương xứng. Quỹ đất phát triển công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ so với tiềm lực thực tế của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc biệt, ngay cả các doanh nghiệp lớn của TP Hồ Chí Minh cũng chưa đủ khả năng phát triển vệ tinh phụ trợ riêng cho mình, cũng như thiếu năng lực để lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ điều kiện để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn, cơ sở hạ tầng sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Do vậy, mối quan hệ giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cùng ngành chẳng những không bổ sung, hỗ trợ cho nhau mà trái lại còn cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau. Đây là một nghịch lý của quá trình phát triển công nghiệp; trong khi đó, cơ chế chính sách chưa thật sự khuyến khích doanh nghiệp lớn phát triển vệ tinh trong nước.
Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh, ngành cơ khí chế tạo là trái tim của các ngành công nghiệp. Sản phẩm phụ tùng, máy móc, thiết bị, khuôn mẫu…giúp phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa khác.
Thế nhưng, thời gian qua, thành phố chưa phát triển các khu công nghiệp do Nhà nước làm chủ đầu tư để tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất với chi phí thấp cho ngành cơ khí; chưa hỗ trợ tạo các liên kết giữa doanh nghiệp bằng cách xây dựng các cụm công nghiệp cơ khí - điện - tự động hóa với chi phí mặt bằng thấp... Chính vì vậy, các doanh nghiệp gặp rào cản tham gia vào cụm và khó khăn trong hợp tác tạo sức mạnh tổng hợp để có đủ năng lực cạnh tranh và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tạo điều kiện cho FDI “bám rễ”
Hiện nay, các doanh nghiệp FDI của các tập đoàn đa quốc gia ngày càng thâm nhập sâu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, phân phối trong nước. Tuy nhiên, hệ thống cung ứng phụ trợ của họ nằm ở nước ngoài, hoặc lôi kéo thêm doanh nghiệp FDI để thực hiện hệ thống cung ứng “kép kín”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu cuối FDI còn e ngại khi đặt hàng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, tiến độ, số lượng nên đơn hàng sản xuất nhỏ, chủ yếu là làm thử, không tạo sự hấp dẫn cho từng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều này không chỉ làm cho nền tảng công nghiệp phụ trợ nội địa chậm hình thành mà còn kéo theo hệ lụy là doanh nghiệp FDI cũng không thể “bám rễ” được ở Việt Nam. Đồng thời, rất ít trường hợp doanh nghiệp lớn chủ động lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực hiện hỗ trợ hạ tầng sản xuất, hướng dẫn công nghệ sản xuất sản phẩm phụ trợ để bao tiêu sản phẩm.
Đáng chú ý, doanh nghiệp nhỏ và vừa cung ứng phụ trợ thì không nắm được thông tin và các tiêu chuẩn sản phẩm từ các doanh nghiệp lớn.
Theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, yêu cầu cấp thiết hiện nay là xây dựng được hệ thống doanh nghiệp lớn trong sản xuất sản phẩm chủ lực, đủ vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế, đảm nhận khâu nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm lẫn phân phối và có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhiều địa phương.
Doanh nghiệp lớn giữ vai trò trung tâm trong phát triển khoa học công nghệ. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lớn luôn tạo ra nhu cầu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ; trong đó, chú trọng việc quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ… nhằm tránh tình trạng đầu tư, thu hút đầu tư trùng lắp, gây lãng phí, triệt tiêu động lực phát triển của nhau.
Còn một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh giải pháp triển khai đồng bộ các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, cung ứng phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ cho lĩnh vực ưu tiên; trong đó, tập trung vào chương trình phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, dịch vụ hỗ trợ cho cung ứng, sản xuất, phân phối sản phẩm.
Đồng thời, tạo cơ chế thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ, sáng tạo ra kênh huy động vốn cho doanh nghiệp. Song song đó, tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như cung cấp thông tin về hội nhập, thị trường, đào tạo nhân lực, mặt bằng sản xuất… Quan trọng nhất là tạo ra khuôn khổ và thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu để tận dụng cơ hội xuất khẩu từ hội nhập.
Các chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ ưu tiên cần được cụ thể thành những chương trình, dự án. Điển hình, TP Hồ Chí Minh nên sớm phát triển các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu, sàn giao dịch hàng hóa, cổng thông tin kết nối giữa doanh nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp đầu cuối; phát triển thương mại điện tử, chính quyền điện tử, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và chỉ dẫn phương pháp giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội.
Với cơ chế đặc thù, TP Hồ Chí Minh có thể vận dụng để huy động nguồn lực từ xã hội để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình phát triển phục vụ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Cơ chế đặc thù không phải là chính sách đặc biệt, nhưng sẽ giúp thành phố thực hiện nhanh hơn một số việc kiến tạo phát triển và quản trị nhà nước.
Đơn cử, có thể sử dụng cơ chế đặc thù liên quan đến quyết định sử dụng đất để quy hoạch lại mặt bằng, tạo quỹ đất sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, để hạn chế tình trạng đầu tư ra ngoài TP Hồ Chí Minh nhiều hơn đầu tư bên ngoài vào thành phố do chi phí thuê mặt bằng sản xuất trên địa bàn đang cao hơn nhiều so với các địa phương lân cận.
Ngoài ra, việc phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực đang là nỗ lực đơn phương của các trường, viện, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, trong khi đó doanh nghiệp là đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu, sản phẩm đào tạo, song lại chưa tham gia vào tiến trình này.