Sức ép đang gia tăng với hàng Việt - Bài cuối

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tới cuối năm 2015 cả nước có khoảng 600.000 DN. Trong số này có tới hơn 96% là DN nhỏ và vừa, chỉ có khoảng 2% DN lớn. Số liệu trên cho thấy năng lực sản xuất, kinh doanh của các DN còn hạn chế...

CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG KHAI THÁC THỊ TRƯỜNG NỘI 

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng hội nhập là xu hướng không thể đảo ngược. Mặc dù sức ép cạnh tranh là rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác và mở rộng thị trường.

Thưa ông, Bộ Công Thương đánh giá như thế nào về năng lực sản xuất, phân phối của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay?

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tới cuối năm 2015 cả nước có khoảng 600.000 DN. Trong số này có tới hơn 96% là DN nhỏ và vừa, chỉ có khoảng 2% DN lớn. Số liệu trên cho thấy năng lực sản xuất, kinh doanh của các DN còn hạn chế... Tuy nhiên, cũng có nhiều DN Việt Nam đã chủ động trong việc nắm bắt thời cơ, hạn chế những tác động, áp lực cạnh tranh, qua đó xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh một cách hợp lý, đồng thời xác định rõ yếu tố chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ sẽ là then chốt, bảo đảm cho sự phát triển, cạnh tranh thành công của DN. Một số DN như Vinamilk, TH True Milk, Vinatex, FPT, SaigonCo.op, Satra, Hapro và gần đây là Vingroup không những thành công tại thị trường trong nước mà còn có tiếng ở thị trường nước ngoài.

Tổng công ty Đức Giang đang phát triển hệ thống phân phối nội địa để đưa sản phẩm thời trang của mình đến gần hơn với người tiêu dùng.

Việc mở cửa thị trường trong nước theo các cam kết hội nhập sẽ tác động như thế nào tới sức cạnh tranh của hàng Việt?

Từ thực tiễn mở cửa thị trường trong nước theo các cam kết hội nhập thời gian qua, như cam kết với Hoa Kỳ trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA), cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như cam kết trong các hiệp định thương mại khu vực và song phương giữa Việt Nam và các nước cho thấy, hội nhập đã có những tác động lớn tới sức cạnh tranh của hàng Việt.

Một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực phân phối như Metro, Big C, Lotte, Aeon... đã đầu tư một số dự án giúp DN và nông dân Việt Nam chế biến nông sản thực phẩm và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Nhiều sản phẩm như lương thực, hải sản, gia cầm, trái cây Việt Nam... đã và đang gây dựng được thương hiệu trong quá trình đưa hàng vào bán tại các cơ sở bán lẻ FDI. Các cơ sở bán lẻ FDI đang trở thành kênh quảng bá thương hiệu quan trọng cho hàng Việt, nhất là hàng chất lượng cao, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao uy tín của nhà sản xuất Việt Nam đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết hội nhập cũng kéo theo hàng ngoại nhập vào Việt Nam có xu hướng gia tăng. Điều kiện ràng buộc về thuế quan được gỡ bỏ là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài ngày càng nhiều và ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam cũng ngày càng gia tăng. Môi trường tự do hóa thương mại đặt ra những thách thức ngày càng mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước nhưng cũng đi đôi với cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Hiện nay, các siêu thị nước ngoài ngày càng tăng thị phần phân phối hàng hóa tại thị trường Việt Nam. Ông có lo ngại điều này sẽ kéo theo hàng hóa nước ngoài dễ dàng xâm nhập thị trường Việt Nam hơn?

Không nên quá lo lắng việc hàng nhập khẩu thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua kênh này bởi các lí do như sau: Với thời gian khá dài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam (như Big C từ 1998, Metro từ 2002), các thương hiệu phân phối FDI này đã xây dựng được hệ thống mua hàng khá ổn định ở Việt Nam nhưng tỷ trọng bán hàng Việt luôn đạt trên 90%. Về thị phần bán lẻ chung, các doanh nghiệp FDI chiếm 3,4%. Nếu chỉ tính riêng phần bán lẻ hiện đại, FDI chỉ chiếm khoảng 17% thị phần nên tiềm năng thị trường để các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác vẫn còn rất lớn.

Hơn nữa, tâm lý tin dùng hàng Việt đã có những bước tiến bộ đáng kể sau 6 năm tích cực tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thưa ông, Nhà nước cần có cơ chế gì để khuyến khích DN đầu tư sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiếp cận thị trường nội địa?

Từ năm 2012 đến nay, nhằm tăng cường các giải pháp hiệu quả để tăng mức tiêu thụ đối với các sản phẩm trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng và các DN để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các DN. Bộ đã tổ chức công tác thông tin, dự báo thị trường các mặt hàng thiết yếu, đánh giá sát tình hình và đề xuất kiến nghị Chính phủ các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.

Bộ đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất, chế biến với nhà phân phối trong khu vực để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, gắn kết lâu dài trong việc tạo nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản đặc sản của từng địa phương. Kết quả bước đầu cho thấy DN tham gia ngày càng nhiều, số hợp đồng ký kết ngày càng tăng, lượng nông sản được tiêu thụ ngày càng được nâng lên. Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt tổng số 830 Đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 475,75 tỷ đồng. Trong đó, có 516 Đề án xúc tiến thương mại tập trung vào thị trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ lên 203,27 tỷ đồng.

Các đề án này chủ yếu là các hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng, trong đó có nhiều hội chợ liên quan đến các mặt hàng nông sản và các hoạt động phân phối hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn. Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua nhiều hoạt động thiết thực.

Sắp tới, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN trong nước phát triển thông qua các hoạt động như hỗ trợ về đào tạo, tư vấn pháp lý, tiếp thị và xúc tiến thương mại, các biện pháp ưu tiên về mặt bằng, hạ tầng, ưu đãi thuế, phí...

Xin cám ơn ông!
Bài và ảnh: Hoàng Dương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN