Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và một số Đoàn Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Theo đó, về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, có ý kiến cho rằng việc bổ sung quy định giá chào bán thấp hơn mệnh giá sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm đồng bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, nhiều ý kiến nhất trí nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với chào bán chứng khoán ra công chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; có ý kiến đề nghị giữ điều kiện này ở mức 10 tỷ đồng, có ý kiến đề nghị chỉ nâng lên mức 20 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Việc nâng điều kiện về vốn điều lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô thị trường chứng khoán. Quy định điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện nay.
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, một số ý kiến cho rằng cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa các luật đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng.
Điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng phân định rõ phạm vi Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng để bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải công ty đại chúng, đồng thời bảo đảm có đủ thời gian đánh giá tác động theo đúng quy định của pháp luật.
Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, một số ý kiến cho rằng cần có điều khoản riêng quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các quy định mang tính nguyên tắc; có ý kiến đề nghị không quy định trong Luật để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mức vốn thấp, rủi ro cao; cho phép chào bán chứng khoán ra công chúng trên thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường và không bảo đảm tính bình đẳng đối với các thành viên thị trường khác. Mặt khác, hiện nay Luật Doanh nghiệp đã có quy định cụ thể đối với chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty không phải là công ty đại chúng.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã có những cơ chế hỗ trợ vốn và đầu tư cho các doanh nghiệp này thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại dự thảo Luật.
Luật hóa tối đa những nội dung còn giao cho Chính phủ
Cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Quốc hội đã tiếp thu, hoàn thiện trên cơ sở có sự kế thừa, đáp ứng yêu cầu về thể chế, đường lối của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi và tương đối minh bạch. Dự án Luật đã tiếp cận chuẩn mực thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam; đồng thời khắc phục được những hạn chế bất cập của Luật Chứng khoán năm 2006 và sửa đổi năm 2010.
Theo đại biểu, đây là dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật đã có và được thực hiện nhiều năm. Thực tiễn cho thấy, điều khoản nào có thể quy định được ngay trong luật thì nên quy định trong luật nhằm tránh việc ban hành nhiều, ban hành chậm trễ các văn bản dưới luật; đồng thời tránh tạo ra những rào cản sau các văn bản dưới luật khi ban hành luật. Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần thiết phải luật hóa tới mức tối đa những nội dung còn giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thực hiện trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). "Theo dự thảo luật, hiện còn 39/136 điều khoản, chiếm 28% tổng số điều khoản chưa được cụ thể hóa; đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện", đại biểu nêu rõ.
Về vị trí, nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, so với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật đã có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước theo hướng bổ sung về thẩm quyền được ủy quyền và phân quyền quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán trên cơ sở luật hóa Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Tuy không có sự thay đổi về cơ chế quản lý và là cơ quan thuộc Bộ Tài chính nhưng đã có nhiều quy định giao quyền, ủy quyền, phân cấp quản lý; từ đó đảm bảo tính độc lập trong tổ chức quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, việc dự thảo luật có nội dung giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban chứng khoán Nhà nước là chưa phù hợp và thiếu tính minh bạch. Để đảm bảo quy định chặt chẽ, khoa học và minh bạch trong hoạt động lập pháp, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét để quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật đối với vị trí, chức năng, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo tính độc lập tương đối của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong hoạt động quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán. Điều này cũng giúp khẳng định vai trò, vị trí, địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Mặt khác, tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi thi hành công vụ, nhiệm vụ, quyền hạn trong khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã quy định rất cụ thể; như vậy là chưa phù hợp và không cần thiết. Đại biểu đề nghị bỏ nội dung này trong dự thảo luật.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong thời điểm này là cần thiết để đảm bảo hội nhập kinh tế quốc tế nhưng vẫn có sự quản lý nhà nước, phát huy được năng lực, sức khỏe của nền kinh tế đất nước.
Theo đại biểu, về nội dung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm b khoản 17 Điều 4 quy định: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, do Chính phủ quy định cụ thể, bao gồm: Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Về điểm này, đại biểu nêu băn khoăn: "Việc quy định các doanh nghiệp có vốn lớn hoặc doanh nghiệp niêm yết đều là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là chưa hợp lý. Ví dụ: Các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có vốn trên 100 tỷ đồng hoặc đã niêm yết nhưng chỉ cần thông qua hoạt động sản xuất thì không thể gọi là nhà đầu tư có năng lực hay chuyên gia về chứng khoán để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được. Quy định này sẽ dẫn đến việc gần như các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán đều là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp".
Tại điểm d điều này quy định: "Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp". Theo đại biểu, quy định này sẽ dẫn đến việc có vô số nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Với đặc thù ở Việt Nam hiện nay, việc rút tiền mặt cho cá nhân trở nên dễ dàng, chính doanh nghiệp sẽ rút tiền đưa cho cá nhân nộp vào tài khoản trên 2 tỷ đồng và trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có ưu thế là được tham gia vào các đợt phát hành riêng lẻ theo Điều 30 của dự án Luật. Tuy nhiên, sau khi người đó bán hết cổ phiếu thì lại không được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp.