Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cam kết giảm phát thải tới 8% từ nay tới 2030, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần tiếp tục triển khai Chương trình này ở giai đoạn 3; trong đó, chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc tiết kiệm năng lượng.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức ngày 22/6, tại Hà Nội.
Giảm bóng đèn sợi đốt
Công nhân Công ty Điện lực Bạc Liêu đổi bóng đèn tiết kiệm điện cho hộ dân Khmer ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Theo báo cáo từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010 và sẽ chiếm khoảng 83% vào năm 2020và 86% vào năm 2030.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ này cho biết, nhờ VNEEP giai đoạn 1 và 2, Việt Nam đã đạt mục tiêu tiết kiệm được 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006 – 2010, tương đương với 4,5 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và tiết kiệm được 5,65% trong giai đoạn 2011-2015, tương đương với 11,261 triệu TOE.
Chương trình đã truyền thông tới 85% người dân được khảo sát đã hiểu về lợi ích và các biện pháp cơ bản để tiết kiệm năng lượng; trang web của Chương trình cũng đạt trên 30 triệu lượt truy cập; chương trình đã đào tạo trên 250 kiểm toán viên năng lượng và trên 2.500 người quản lý năng lượng.
Đặc biệt, theo ông Trịnh Quốc Vũ, các chương trình này đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ chức tài chính nhằm phát triển dịch vụ tài chính đầu tư cho các dự án có liên quan đến tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, thí điểm mô hình kinh doanh Công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO) và cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng.
“Hơn 10.000 mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm mục tiêu đã được dán nhãn năng lượng. Số lượng bóng đèn sợi đốt tiêu thụ hàng năm giảm mạnh từ khoảng 50-55 triệu bóng đèn năm 2011 xuống chỉ còn dưới 5 triệu bóng đèn trong năm 2015…”, ông Vũ cho hay.
Tuy nhiên, ông Vũ cũng thừa nhận, trong thời gian qua, việc thi hành các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả còn chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự thực hiện các yêu cầu theo quy định đã ban hành. Ngoài ra, nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước cho chương trình thường muộn và thấp, trong khi các đối tượng trong khuôn khổ chương trình rất rộng và đa dạng.
Sau chương trình giai đoạn 1 và 2, nhiều chương trình, hoạt động về sử dụng tiết kiệm năng lượng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng ảnh hưởng tới cam kết của Việt Nam về giảm phát thải nhà kính.
Tăng cường thực thi Theo báo cáo, Việt Nam đã cam kết cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2021-2030 so với kịch bản thông thường và sẽ đạt tới 25% với sự hỗ trợ quốc tế có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các khảo sát và tính toán cho thấy, Việt Nam còn nhiều cơ hội kỹ thuật để giảm thiểu thất thoát và lãng phí trong cung cấp và sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, hộ gia đình.
Ông Hiệp cho rằng, việc triển khai VNEEP giai đoạn 3 sẽ hỗ trợ các địa phương thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình tiết kiệm năng lượng trên phạm vi toàn quốc.
“Dự thảo VNEEP giai đoạn 3 được xây dựng trên cơ sở tiếp tục phát huy những thành công của 2 giai đoạn trước. Song, nội dụng phải được thiết kế chuyển các hoạt động tiết kiệm năng lượng từ tự nguyện sang bắt buộc và tăng cường tính thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.
“Mục tiêu tiết kiệm năng lượng trở thành chỉ tiêu bắt buộc đối với các cơ sở sử dụng năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Hiện Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030”. Chương trình được thiết kế với mục tiêu tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ và nghiêm các giải pháp quản lý và kỹ thuật trong lĩnh vực này, tập trung vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng…
Đồng quan điểm trên, ông Dilip R. Limaye, Chuyên gia tư vấn quốc tế cho rằng, mức tiết kiệm trong giai đoạn 1 và 2 là chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, cần phải có chương trình quốc gia mới với các cơ chế thưởng phạt liên quan đến tuân thủ và các thủ tục cưỡng chế thực thi.
Các chính sách tập trung vào các sáng kiến tự nguyện không đem lại kết quả tiến triển đầy đủ về bảo tồn và tiết kiệm năng lượng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp. Có nhiều phương án để thực hiện chính sách bắt buộc, như chỉ tiêu về hiệu quả năng lượng, kiểm toán năng lượng, báo cáo, giao dịch, áp dụng các tiêu chuẩn như ISO 5000I.
Nêu ra những khuyến nghị cho Chương trình VNEEP giai đoạn 3, ông Dilip R. Limaye cho rằng, phải xác định nội dung mục tiêu và chỉ tiêu cho rõ hơn, đồng thời chuyển từ chương trình tự nguyện sang bắt buộc; có cơ chế tăng cường xử phạt vi phạm và tạo cơ chế khuyến khích về tài chính qua thưởng...