Nhãn là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tỉnh Sơn La. Những năm trở lại đây, sản phẩm nhãn Sơn La đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng đánh giá cao, bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Theo thống kê, năm 2021 diện tích nhãn toàn tỉnh Sơn La ước đạt hơn 19.200 ha, tập trung tại các huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… sản lượng đạt 98.500 tấn; trong đó, 2.200 ha nhãn đủ điều kiện xuất khẩu, với sản lượng gần 22.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, châu Âu.
Riêng huyện Sông Mã là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La với trên 7.200 ha trồng nhãn; trong đó, gần 5.900 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh.
Thời điểm này đang là mùa thu hoạch nhãn, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu, tiêu thụ nhãn. Trước thực trạng đó, tỉnh Sơn La đã kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như: Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tuyển chọn các sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm nhãn Sơn La.
Tại buổi lễ công bố, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Nhãn Sơn La" cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La; Sở Khoa học và Công nghệ đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho 25 hợp tác xã của huyện Sông Mã; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã đã ký kết biên bản ghi nhớ về sản xuất, tiêu thụ nhãn. Các đại biểu cũng đã cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã – Sơn La xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh thông tin, trong những năm gần đây, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La đã có những bước phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; hoạt động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo ông Khánh, để phát triển các sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, tỉnh Sơn La đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung, chú trọng thâm canh, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết và phát triển sản phẩm theo hướng bền vững và gia tăng giá trị; sản xuất theo quy trình VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường; trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như nhãn, bơ, xoài, mận.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Nhãn Sơn La" là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng nông sản của tỉnh, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cung cấp các sản phẩm từ quả nhãn của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Nguyễn Văn Phương cho hay, việc xuất khẩu thành công sản phẩm nhãn sang thị trường EU và Vương quốc Anh đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, khẳng định được vị thế, giá trị của các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sản xuất tại cơ sở, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người trồng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.