Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho ý kiến đối với Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1. Theo đó, tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho ý kiến thống nhất về phương án tuyến; xem xét, báo cáo Chính phủ cho phép dự án được thực hiện đầu tư theo loại hợp đồng BOT; báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền chấp thuận đưa Dự án vào danh mục dự án thuộc Phụ lục I của Nghị quyết 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ (cụ thể tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong tổng mức đầu tư dự án không quá 70%).
Tỉnh Điện Biên cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 bằng vốn ngân sách trung ương, với phương án tối ưu như: Phạm vi, quy mô đầu tư 39 km, 2 công trình hầm (2,8 km), 7,4 km công trình cầu, tổng mức đầu tư 11.556 tỷ đồng. Sơ bộ phương án tài chính, Nhà nước tham gia khoảng 8.089 tỷ đồng (70%), nhà đầu tư huy động 3.467 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 27 năm; trong đó, tỉnh Điện Biên có trách nhiệm bố trí kinh phí đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Ngoài Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải về việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa một số tuyến đường như: Quốc lộ 279, quốc lộ 4H kết nối với Bắc Lào và Trung Quốc, kết nối với Lai Châu; một số tuyến đường và cầu trên địa bàn tỉnh. Về giao thông hàng không, tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Cục hàng không Việt Nam và các hãng hàng không nghiên cứu mở các tuyến bay đến các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Nhật Bản… nhằm thu hút các nhà đầu tư, du khách quốc tế đến với tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết, với đặc thù là một tỉnh miền núi có điều kiện địa hình khó khăn; nguồn lực đầu tư hạn chế, đa phần các tuyến đường giao thông huyết mạch liên tỉnh, liên huyện đã được đầu tư, chủ yếu là đường giao thông cấp thấp miền núi chưa được đồng bộ. Do đó, nhu cầu đầu tư đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn và rất cấp thiết, nhất là dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, nhằm tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Bởi vậy, tỉnh Điện Biên mong muốn Bộ Giao thông Vận tải cùng nhà đầu tư nghiên cứu, vận dụng các quy định để thực hiện dự án. Về phía tỉnh, sẽ quyết tâm dành nguồn lực để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, một trong những khó khăn lớn nhất của Điện Biên hiện nay là kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ với những khó khăn của tỉnh và đồng tình, ủng hộ việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng.
Đối với Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1, Bộ Giao thông Vận tải nhất trí với kiến nghị đề xuất của tỉnh về hướng tuyến, loại hình hợp đồng theo hình thức BOT và phương án tài chính 70-30; trong đó vốn trung ương và địa phương 70%, vốn nhà đầu tư 30%, Trung ương thực hiện việc xây dựng còn địa phương phụ trách giải phóng mặt bằng. Về tổng mức đầu tư cần nghiên cứu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả của dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh Điện Biên đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1, chậm nhất giữa năm 2025 phải hoàn thành để năm 2026 khởi công dự án và hoàn thành vào năm 2027. Đối với các dự án khác, Bộ Giao thông Vận tải nhất trí, đồng tình và giao cho các cơ quan chuyên môn của Bộ quan tâm, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện.