Nhiều người vẫn phải tá túc trong những phòng trọ chật hẹp, chưa đảm bảo môi trường sống, thậm chí nhiều người phải ở địa phương khác, sáng lên thành phố làm việc chiều về nhà. Đây là thực trạng được nêu lên tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất" do Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/5.
Cung không đáp ứng cầu
Chị Nguyễn Thị Bình, quê ở Nghệ An tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng, ra trường không tìm được việc nên vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung. Chị và một số bạn cùng quê thuê phòng trọ chật hẹp ở ngã tư Linh Xuân, quận Thủ Đức. Sau 2 năm làm công nhân, tích luỹ kinh tế không được bao nhiêu, chỉ đủ cho ăn uống, sinh hoạt và chỗ ở. Nếu tiếp tục công việc này, chị Bình cũng như nhiều công nhân khác không biết đến lúc nào mới mua nổi một chỗ ở tại TP Hồ Chí Minh trong khi các khoản chi phí nơi đây vô cùng đắt đỏ. Cuối cùng, chị Nguyễn Thị Bình phải rời TP Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng đi dạy học, quyết định lập nghiệp tại đây.
Tương tự, anh Nguyễn Hồng Cường cũng quê Nghệ An tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân được gần 3 năm phải nghỉ việc vì không dư giả gì trong khi vợ con anh phải ở trong phòng trọ chật hẹp. Anh và gia đình về Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc cho công ty tư nhân và dành dụm mua được miếng đất nhỏ xây nhà cấp 4 ở huyện Xuyên Mộc.
Có hoàn cảnh khá hơn nhưng anh Nguyễn Đình Nam, quê Bình Phước cũng không hề thuận lợi trong việc tìm chỗ an cư tại TP Hồ Chí Minh. Sau thời gian làm công nhân rồi lái xe tải đường dài, anh tích góp được gần 500 triệu đồng nhưng chưa tìm được căn hộ nào đầy đủ giấy tờ pháp lý có giá tiền như vậy. Anh và vợ con phải thuê trọ ở quận Thủ Đức, khu vực giáp tỉnh Bình Dương rồi chuyển hẳn qua làm nghề môi giới nhà đất với hy vọng, kiếm thêm thu nhập để có thể mua được nền đất hoặc căn hộ chung cư giá rẻ tại TP Hồ Chí Minh.
Nói về nhu cầu nhà lưu trú cho công nhân, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, hiện, thành phố có 285.000 công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó, có 65% là lao động nhâp cư. Thành phố chỉ mới giải quyết được một phần nhu cầu nhà ở vốn dĩ đang hết sức bức xúc hiện nay của công nhân, người lao động.
Đồng quan điểm, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh cho hay, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân còn rất thấp. Vì vậy, nhiều công nhân phải ở trong nhà trọ nhếch nhác, điều kiện môi trường chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ. Đơn cử, Công ty PouYuen Việt Nam tại quận Bình Tân do không thể xây dựng nhà lưu trú cho công nhân nên hàng ngày huy động nhiều xe đưa đón công nhân từ nhà ở Long An lên TP Hồ Chí Minh làm việc. Nhiều người khi về đến nhà thì con cái đã ngủ, cuộc sống gia đình xáo trộn không ít.
Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Đạt, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, ngoài 17 khu công nghiệp – khu chế xuất thành phố còn có khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp khác với tổng lao động gần 380.000 người; trong đó, có từ 60 – 75% cần nhà lưu trú với khoảng 280.000 chỗ ở. Tuy nhiên, thành phố chỉ mới giải quyết được một phần ít nhu cầu này.
Thành phố đã vận động xã hội hoá xây dựng nhà lưu trú công nhân từ các dự án của doanh nghiệp và các cá nhân đầu tư nhà trọ. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là nhà lưu trú cho công nhân do doanh nghiệp xây dựng có chi phí cao. Mặc dù, nhiều tiện ích nhưng công nhân lao động vẫn thích thuê nhà trọ hơn do tiện sinh hoạt, thoải mái giờ giấc. Các cơ quan chuyên môn cũng đã đặt ra tiêu chuẩn xây dựng nhà ở thấp tầng, nhà trọ trong khu dân cư đảm bảo chất lượng, phục vụ công nhân lao động.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Trần Công Khanh cho rằng, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân tập trung cần phát huy nhiều hơn nữa; trong đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và cả tổ chức, cá nhân xây nhà lưu trú trong khu dân cư để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người lao động. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quy hoạch, lập vị trí các quỹ đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Sau đó, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư với chính sách ưu đãi, hỗ trợ; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhà trọ đạt tiêu chuẩn trong khu dân cư.
Theo ông Phạm Chí Tâm, các ngành chức năng nên có tiêu chí xây dựng nhà trọ; hỗ trợ người dân thủ tục, vốn vay để xây dựng nhà lưu trú công nhân; đồng thời, quy hoạch nhà ở lưu trú cho công nhân ngay tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Sau đó, tiến tới việc tạo điều kiện để công nhân lao động mua nhà ở xã hội.
Dưới góc độ quản lý nhà nước về nhà ở, ông Trần Quốc Đạt, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thông tin, hiện thành phố có 47 ha với 15 dự án đã và đang triển khai xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhưng chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện với quy mô 95.000 chỗ ở. Muốn có nhiều nhà lưu trú cho công nhân, Nhà nước thực hiện ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đồng thời, huy động vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay xây dựng nhà ở xã hội.
Theo kế hoạch, trong năm 2019, thành phố phấn đấu phát triển thêm 710.000 m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội; trong đó có 120.000 m2 sàn xây dựng nhà lưu trú công nhân. Cũng trong năm 2019, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 dư án phát triển nhà lưu trú công nhân gồm: dự án nhà ở xã hội và nhà trẻ tại phường Long Trường, quận 9; nhà lưu trú công nhân khu chế xuất Linh Trung II giai đoạn 2 và nhà ở xã hội cho công nhân tại khu đất đường Đinh Kiếp, huyện Củ Chi, khu đất địa chỉ số 15/6C đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Trần Anh Group cho hay, nếu quy chuẩn xây dựng tối thiểu nhà trọ, nhà lưu trú công nhân là 40m2 thì chi phí không dưới 700 triệu đồng. Đây là số tiền đa số công nhân không thể mua được. Ở Long An có một số khu công nghiệp nhưng lại thiếu dự án nhà lưu trú cho công nhân. Vì thế, Trần Anh Group đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 800 căn nhà lưu trú tại đây nhưng do gặp nhiều khó khăn trong thủ tục nên có lúc nản lòng. Nếu được chính quyền hỗ trợ thì không chỉ 800 căn mà công ty sẽ đầu tư tới 10.000 nhà lưu trú công nhân.
"Mong muốn của doanh nghiệp là chính quyền đơn giản thủ tục, thậm chí là thủ tục xét duyệt tiêu chí đối với người mua nhà. Bởi lẽ lợi nhuận đầu tư nhà ở xã hội rất thấp nên khi kéo dài thời gian mua nhà sẽ không kích thích phát triển phân khúc nhà lưu trú công nhân được", ông Trần Đức Vinh nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), hiện nay, thủ tục, tiêu chuẩn nhà lưu trú công nhân chưa rõ ràng; chưa có sự phân biệt cụ thể đối với nhà ở thương mại. Thậm chí thủ tục làm nhà cho người thu nhập thấp còn kéo dài hơn thủ tục làm nhà ở thương mại. Nếu đã có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bất động sản thì cũng nên có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp làm nhà lưu trú công nhân. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần có quy hoạch nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để thuê hoặc bán cho công nhân.
“Muốn thành công trong vấn đề này, doanh nghiệp đóng góp 30%, phần còn lại phụ thuộc vào cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Đực đề nghị.