Báo cáo hoạt động của Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Duy Đông, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ tháng 9/2018, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thành lập Ban chỉ đạo Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại chi nhánh tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đến ngày 31/3/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 4.038 tỷ đồng, tăng hơn 54,4 tỷ đồng so với ngày 30/9/2018. Từ khi thực hiện Đề án đến ngày 31/3/2022 có doanh số cho vay đạt trên 3.509 tỷ đồng, với 122.474 khách hàng được vay vốn, mức cho vay bình quân 31 triệu đồng/hộ. Doanh số thu nợ trên 2.656 tỷ đồng, chiếm 75,7% doanh số cho vay. Tổng dư nợ đạt trên 4.015,8 tỷ đồng, tăng 776.644 triệu đồng (24%) so với ngày 30/9/2018, có 148.418 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân là 27,1 triệu đồng/hộ… Đến ngày 31/12/2021, chất lượng hoạt động tín dụng của chi nhánh đạt 76,83 điểm, xếp loại khá…
Tại hội nghị, nhiều tham luận, báo cáo đóng góp ý kiến, thảo luận, kiến nghị của các Ban đại diện Hội đồng quản trị, Ngân hàng chính sách xã hội các địa phương và các hội, đoàn thể cấp tỉnh với lãnh đạo các cấp xoay quanh các vấn đề như: xem xét điều chỉnh tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn; nghiên cứu trình Chính phủ thực hiện một số chương trình cho vay mới, đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân hiện nay; hỗ trợ vốn vay phù hợp với địa bàn, ngành nghề, nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn...
Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhận định, trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp Trung ương; sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị cơ sở. Qua đó, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn tại thời điểm ngày 31/3/2022 chỉ còn 2,16%, giảm 2,41% so với thời điểm ngày 30/9/2021. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị thời gian tới, ngân hàng cần tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ đúng đối tượng, có hiệu quả và quản lý tốt nguồn vốn.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, ông Dương Quyết Thắng khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong thời gian qua đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Thắng đề nghị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng cho địa phương, tập trung cho những đơn vị còn yếu. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo chuyển vốn ngân sách địa phương sang ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; vốn cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại những xã ra khỏi vùng khó khăn và những hộ chuyển đổi ngành nghề do tình trạng hạn hán xâm nhập mặn.
Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền tiếp tục tổ chức các đợt phát động tham gia đóng góp “Quỹ vì người nghèo” gắn với “Ngày gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng và hệ thống ngân hàng chính sách xã hội các cấp cần tiếp tục thực hiện tuyên truyền, kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng...