Tại họp báo, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, sau gần 2 năm từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 33 (tháng 11/2016) và hơn 1 năm từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt phương án xử lý 12 dự án thua lỗ ngày 29/9/2017, đến nay cả 12 dự án đều có những chuyển biến tích cực.
Cụ thể, đối với 6 dự án trước đây sản xuất kinh doanh thua lỗ, đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động ổn định và có lãi là dự án DAP 1 Hải Phòng (8 tháng đầu năm nay lãi 147,68 tỷ đồng); dự án nhà máy thép Việt Trung lãi hơn 527 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2018. Số dự án còn lại trong nhóm có sản xuất nhưng thua lỗ, hiện nay đều có phương án tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất giúp số lỗ giảm dần.
Nhiều dự án trước đây rất khó triển khai sản xuất như Đạm Ninh Bình, DAP 2 thì hiện nay đã vận hành trở lại một số dây chuyền sản xuất và mức lỗ sau gần 2 năm qua đã giảm dần.
"Mục tiêu trong năm 2018 là cơ bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đến năm 2020 sẽ hoàn thành cơ bản việc xử lý thua lỗ", ông Hưng nêu rõ.
Đối với nhóm 3 nhà máy được đầu tư lớn nhưng phải dừng sản xuất là PVTEX Đình Vũ, nhiên liệu sinh học Dung Quất và nhiên liệu sinh học Bình Dương, đến tháng 4/2018, một số dây chuyền sản xuất của PVTEX Đình Vũ đã đi vào sản xuất và cho ra sản phẩm chất lượng. Tới đây, PVTEX Đình Vũ sẽ tiếp tục vận hành toàn bộ dây chuyền và nhà máy.
Đặc biệt, 2 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Bình Dương cũng như giấy Phương Nam trước đây gặp nhiều khó khăn, không khởi động lại được nhưng đến nay nhiều vấn đề đã được giải quyết, xử lý để sẵn sàng khởi động khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Cũng theo ông Hưng, sau quá trình vận hành trở lại, tổng dư nợ trung và dài hạn của các dự án này đã giảm được 124 tỷ đồng so với thời điểm 31/1/2018. Việc xử lý các dự án không những đảm bảo nguyên tắc không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước mà còn đảm bảo nguyên tắc thị trường và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, thu hồi cho ngân sách 1.000 tỷ đồng chưa tính lãi...
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến CMCN 4.0
Tại họp báo, bà Phạm Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ cho hay, cả thế giới và Việt Nam đang hướng tới Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Do đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khảo sát trên 2.500 doanh nghiệp (DN) của Việt Nam. Kết quả cho thấy, 85% DN chưa quan tâm tiếp cận CMCN 4.0.
"Đối với CMCN 4.0, chúng ta cần quan tâm đầu tư nguồn nhân lực và máy móc, thiết bị để phát triển. Tuy nhiên, về công nghệ, các DN Việt Nam vẫn còn đầu tư thấp. Trong tương lai, DN cũng chưa đầu tư ngay vì số lượng nguồn vốn lớn. Thực tế, các DN trên thế giới khi thay đổi đầu tư về công nghệ cũng có cân nhắc. Nên đối với các DN, chúng ta phải có định hướng đầu tư CM 4.0 cho phù hợp, thống nhất", bà Giang đề nghị.
Về nguồn nhân lực cho CMCN 4.0, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 754/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nội dung về đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng CMCN 4.0.
Khuyến khích DN đầu tư nông sản sạch xuất khẩu
Gần đây, một số lô hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu bị trả lại do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn với kim ngạch 9 tháng đầu năm đạt 29,5 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, xu hướng chung là nhiều quốc gia đang đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe với nông sản. Đôi lúc, các tiêu chuẩn đó bị lạm dụng trở thành rào cản và ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản nước ta.
Mặc dù tỷ lệ số lô hàng bị trả lại trên tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản không cao nhưng nhìn chung, việc bị trả lại hàng sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tên tuổi nông sản Việt Nam trên thị trường. Do đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hiệp hội đưa ra biện pháp tăng cường kiểm ra ngay tại nhà máy, cơ sở sản xuất về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng thời khuyến khích các DN đẩy mạnh áp dụng công nghệ sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, áp dụng truy suất nguồn gốc, tăng cường trách nhiệm của DN trong hoạt động xuất khẩu.