Quyết liệt khắc phục tình trạng thủy sản bị trả về

Năm 2016, số lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm (ATTP) là 128 lô. Năm 2017, con số này là 125 lô. Trong khi đó, trong quý I/2018, số lô hàng bị cảnh báo là 23 lô.

Vẫn ở mức cao

Năm 2016, thủy sản là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn lớn nhất trong kim ngạch của toàn ngành nông nghiệp, với giá trị 7 tỉ USD. Thủy sản tiếp tục là ngành xuất khẩu chủ lực trong năm 2017 đạt mức 8,3 tỷ USD.

Số lô hàng của Việt Nam bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm trong các năm qua. Ảnh: H.V

Mặc dù, số lô thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả về có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tới uy tín của nông sản xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới, làm giảm hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và người nuôi trồng thủy sản. Các thị trường cảnh báo gồm: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các vấn đề cảnh báo gồm: Hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng, phụ gia…

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) nhận định, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang khoảng 150 nước và vùng lãnh thổ. Với khối lượng và kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng và yêu cầu của các thị trường về chỉ tiêu kiểm tra, kiểm nghiệm sẽ ngày càng khắt khe. Do vậy, việc có lô hàng bị cảnh báo là bình thường và các nước xuất khẩu khác đều bị cảnh báo.

Về nguyên nhân của tình trạng này, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản (Vasep), Trương Đình Hòe cho rằng, về vấn đề kháng sinh trong thủy sản, các doanh nghiệp chế biến đã nhận thức rất rõ vấn đề này. Tuy nhiên, việc kiểm tra tất cả các sản phẩm là rất khó khăn. Vì doanh nghiệp thu mua tôm, cá … từ nhiều ao nuôi khác nhau. Trong khi công tác kiểm tra chỉ là kiểm tra xác suất, không thể kiểm tra hết từng con tôm, cá. Do vậy, vẫn có lô hàng tồn dư kháng sinh.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Nafiqad cho biết, một số hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn được sử dụng trong y tế, công nghiệp và chăn nuôi động vật trên cạn.

Việc phối hợp để kiểm soát chưa chặt chẽ, các hộ nuôi thủy sản có thể dễ dàng tiếp cận và làm dụng trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng nhập lậu hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y không rõ nguồn gốc và bị lạm dụng trong nuôi trong thủy sản.

Việc quản lý cấp phép cũng như kiểm tra, giám sát lưu thông… các sản phẩm thuốc thú y, sản phẩm cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản chưa chặt chẽ dẫn đến việc các hộ nuôi lạm dụng dẫn đến gây tồn dư trong sản phẩm. Mặt khác, phần lớn các cơ sở nuôi trồng, các cơ sở thu mua thủy sản của Việt Nam nhỏ lẻ chưa đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện đảm bảo ATTP…

Quản lý chặt thị trường kháng sinh, hóa chất

Để xử lý dứt điểm vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện nhằm loại bỏ sản phẩm kém chất lượng, không an toàn, kiểm soát chặt chẽ hóa chất kháng sinh nhập lậu.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Để giải quyết vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản (Vasep), Trương Đình Hòe cho rằng,  quan trọng là chính quyền giúp kiểm soát kháng sinh trên thị trường. Ví dụ, nhiều người bán chất cấm, kháng sinh không được phép sử dụng cho các hộ nuôi. Các hộ nuôi không tìm hiểu kỹ hoặc ham rẻ mua về dùng. Trong khi, việc kiểm soát không thể tiến hành hết với cả ao tôm.

Do vậy, chính quyền cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức người bán hóa chất, đồng thời quản lý chặt các nguồn thuốc trên thị trường. Đồng bộ từ ao nuôi tới nhà máy để đảm bảo. Hiệp hội cũng tuyên truyền thường xuyên để doanh nghiệp và người nuôi nhận thức được vấn đề nghiêm trọng này.

Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, Bộ NN&PTNT đã giao Nafiqad chủ trì xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách trong quản lý ATTP thủy sản theo hướng xuất nhằm đạt được mục tiêu kép, vừa tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp vừa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành thuốc thú ý, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; thường xuyên tổ chức rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục…

Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương cập nhật quy định của thị trường nhập khẩu. Phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công Thương tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất, kháng sinh nhập khẩu để sử dụng trong y tế, công nghiệp nhưng bị lạm dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản.

"Có những loại thuốc sử dụng được cho người nhưng không sử dụng được trong nuôi trồng thủy sản. Do vậy, các bộ phải phối hợp để kiểm soát chặt, sử dụng các chế phẩm phải có báo cáo, giải trình rõ ràng, không để lọt các sản phẩm này ra ngoài", ông Tiệp cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công an trong việc triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông chất cấm, chất xử lý, cải tạo môi trường… ngoài danh mục được phép lưu hành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng nhanh với mức tăng bình quân gần 15%/năm, từ mức 550 triệu USD năm 1995 lên 8,3 tỷ USD năm 2017.

H.V/Báo Tin tức
Giải pháp khắc phục tình trạng thủy sản Việt Nam bị nước ngoài cảnh báo, trả về
Giải pháp khắc phục tình trạng thủy sản Việt Nam bị nước ngoài cảnh báo, trả về

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị 09/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản Việt Nam bị nước ngoài cảnh báo, trả về.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN