Ngành thủy sản thuyết phục EC gỡ thẻ vàng từ tháng 4/2018

Việt Nam đang nỗ lực triển khai thực hiện theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để ủy ban này rút "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam trong tháng 4/2018.

Giám sát chặt chẽ khai thác thủy sản

Ngày 23/10/2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường của Liên minh châu Âu (EU) (tại Công thư số 5837061). Đồng thời, EC đưa ra các khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018).

Đứng trước tình thế này, ngành thủy sản Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu của EU và lấy lại uy tín cho ngành thủy sản.

Ngư dân Phú Yên khai thác cá ngừ đại dương. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Phương Dung (Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thủy sản) cho biết, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, chống hành vi khai thác IUU (Các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tăng cường công tác tuần tra, giám sát chống khai thác IUU. Trong đó tập trung vào các khu vực Vịnh Bắc Bộ, Tây Nam Bộ (vùng biển giáp ranh Thái Lan, Campuchia), các vùng biển giáp ranh Indonesia, Malaysia….

Yêu cầu địa phương thắt chặt việc kiểm tra tại cảng đảm bảo 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khác.

Thống kê danh sách tàu cá vi phạm khai thác IUU trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại cảng và trên biển gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 20 hàng tháng. Đảm bảo tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản không được ra khơi, không để tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp.


Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, các địa phương đã tăng cường các hình phạt, xử phạt ở khung hình phạt cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm. Tiến hành điều tra, xử lý hình sự các đối tượng môi giới đưa tàu đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Cảnh Sát biển tăng cường tuần tra, kiểm soát khai thác IUU. Bộ Đội Biên phòng tăng cường kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến phải đảm bảo đúng quy định không khai thác IUU và ngăn chặn ngay từ đầu các đối tượng có dấu hiệu vi phạm.

Tổng cục Thủy sản đã công bố danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp trên trang website Tổng cục Thủy sản. Từ đó nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương có tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Sửa đổi quy định để thực hiện đánh bắt đúng pháp luật

Các tàu đánh cá sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn. Ảnh: TTXVN

Theo bà Dung, “Việt Nam đang khẩn trương tháo dỡ thẻ vàng trong thời gian sớm nhất. Tổ công tác của Bộ đang làm việc với tỉnh Kiên Giang, Cà Mau để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện IUU chặt chẽ. Nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng của EC phải là sự hợp tác, chung tay giữa các cơ quan ban ngành, địa phương”.

Bà Dung cho biết thêm, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các quốc gia ven biển, các quốc đảo để ngăn chặn hành vi khai thác IUU. Thực hiện đối thoại với EU, cập nhật tiến độ mà Việt Nam đã và đang triển khai nhằm cải thiện quản lý nghề cá theo hướng nghề cá có trách nhiệm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Việt Nam đang nỗ lực để gỡ thẻ vàng trong tháng 4/2018. Trong đó, vấn đề đầu tiên là chỉ đạo, tuyên truyền và quyết tâm nâng nhận thức của ngư dân, để không đánh bắt sai pháp luật.

Vấn đề thứ hai, theo ông Tuấn, Bộ NN&PTNT đã sửa hàng loạt điều trong luật thủy sản mới ban hành để cập nhật các quy định mới. Một mặt tổ chức vận động tuyên truyền qua chính quyền địa phương, giám sát bằng biện pháp kiểm soát hải trình. Mặt khác, áp dụng biện pháp xử phạt, thậm chí thu giấy phép của thuyền viên, cấm một thời gian ra biển, phạt bằng tiền bước đầu là chắc chắn sẽ tăng lên.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, Việt Nam đã học tập kinh nghiệm từ Thái Lan, Campuchia… những nước cũng bị áp thẻ vàng, có nước bị áp thẻ đỏ.  

Với EC, ông Tuấn cho biết, ngành nông nghiệp đã thông báo kịp thời, gặp mặt trao đổi công khai, hợp tác trên tinh thần thẳng thắn, có trách nhiệm. Cử đoàn cán bộ cao cấp tiếp tục sang làm việc với EC ngay trong tháng 3/2018.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết thêm, không chỉ lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp hướng tới việc, các mặt hàng khác cũng phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản xuất đúng pháp luật. Siết chặt vấn đề này, tránh ảnh hưởng môi trường sản xuất kinh doanh.

Năm 2008, Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành Quy định 1005/2008 về chống khai thác IUU (Các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý), có hiệu lực thi hành từ năm 2010. Theo đó, trong trường hợp nước xuất khẩu có vi phạm các quy định về khai thác IUU nhưng chưa ở mức độ nghiêm trọng, EC sẽ đưa ra cảnh báo (thẻ vàng) để nhắc nhở.


H.V/Báo Tin tức
VASEP đề xuất các hoạt động khắc phục thẻ vàng IUU trước giờ 'G'
VASEP đề xuất các hoạt động khắc phục thẻ vàng IUU trước giờ 'G'

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy sản một số hoạt động triển khai gấp rút, để khắc phục thẻ vàng IUU trong tháng 2 - 3/2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN