Việt Nam khẳng định quyết tâm phát triển thủy sản bền vững

Ngày 22/3, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc hội đàm với Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách môi trường, hàng hải và thủy sản, Karmenu Vella tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ.

Ngày 22/3/2018, tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Vương quốc Bỉ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc hội đàm với Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách môi trường, hàng hải và thủy sản, Karmenu Vella. Ảnh: Kim Chung/PV TTXVN

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Brussels đã phỏng vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về kết quả buổi làm việc, quyết tâm của phía Việt Nam để EU bãi bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam cũng như những vấn đề còn tồn tại và phương hướng xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết buổi làm việc có một trong hai nội dung liên quan đến các biện pháp, hành động của Việt Nam sau khi EU rút thẻ vàng về đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo Bộ trưởng, sau ngày 23/10/2017, Việt Nam đã tập trung các chương trình hành động một cách quyết liệt và đồng bộ, theo đó hoàn thiện thể chế là 9 nội dung mà EU khuyến nghị thông qua IUU, đưa những nội dung này vào Luật thủy sản sửa đổi nhằm mục đích xây dựng ngành khai thác thủy sản phát triển một cách bền vững; triển khai xây dựng các văn bản dưới luật, tập trung xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn. Đồng thời với quá trình đó, Thủ tướng chính phủ đã có những quyết định và chỉ thị để triển khai ngay chứ không chờ đến khi hoàn thành các văn bản dưới luật.
       
Về các giải pháp hành động, tập trung tuyên truyền nhằm chuyển đổi nhận thức của các đối tượng tham gia quản lý và khai thác trong lĩnh vực thủy sản - từ người dân, các doanh nghiệp, các cấp chính quyền địa phương đến các bộ ngành liên quan đều phải cùng có trách nhiệm tham gia. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập một tổ công tác trong đó Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp là tổ trưởng, phối kết hợp cùng với các thành viên khác, các bộ ngành khác để đôn đốc các địa phương thực hiện những nội dung kể trên.
       
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt và điều này đã đem lại những kết quả khả quan. Phía EU cũng ghi nhận những kết quả bước đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục tích cực hơn để đạt những kết quả đích thực và bền vững.
      
Về những khó khăn hiện nay của ngành thủy sản Việt Nam trong việc khắc phục các nội dung khuyến nghị của EU, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ thứ nhất là nghề cá của chúng ta trước đây là nghề cá nhân dân, với các phương tiện khai thác phần nhiều chưa được hiện đại. Thứ hai, các thiết chế hạ tầng từ bến cảng đến các thiết bị khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề cá hiện đại và cần cố gắng mới đạt được. Một điểm khó khăn nữa là nguồn nhân lực và các nguồn lực cần tiếp tục được đầu tư để phục vụ chiến lược phát triển lâu dài. Điểm quan trọng thứ ba là cần phải nhận thức rằng tài nguyên biển là hữu hạn, do đó phải có thêm nhiều biện pháp, như chuyển hướng một phần sang nuôi trồng để giảm tải áp lực khai thác, đồng thời phải bố trí lại lao động. Theo Bộ trưởng, những việc cần làm không chỉ đơn thuần gói gọn trong 9 nội dung khuyến nghị của IUU, mà quan trọng là phải có các biện pháp phấn đấu để có một nghề khai thác thủy sản bền vững và hiệu quả và bảo vệ môi trường.
       
Đánh giá ý nghĩa chuyến công tác lần này đối với việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết chuyến thăm diễn ra vào thời điểm gần 5 tháng sau khi EU rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Thông thường cứ 6 tháng EU sẽ kiểm tra và đánh giá lại một lần, trên cơ sở đó để có những hành động tiếp theo. Chuyến thăm này là dịp để thể hiện quyết tâm của Việt Nam, qua đó thuyết phục EU chia sẻ những kết quả đó cũng như thấu hiểu những gì còn bất cập do yếu tố khách quan. Bộ trưởng cho biết EU thông báo sẽ phối hợp với Việt Nam, có thể sẽ ủng hộ về tài chính hay chia sẻ những gói trợ giúp kỹ thuật cần thiết cũng như giúp đỡ trong thể chế hóa các văn bản dưới luật mang tính khả thi cao, sát với thực tiễn thông lệ quốc tế. Trong hoàn cảnh các nguồn lực của Việt Nam còn khó khăn, phía EU bày tỏ có thể đưa ra những gói hỗ trợ để tăng cường phối hợp với Việt Nam trong tập huấn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực lâu dài.
        
Bộ trưởng nhận định chuyến đi này đã thu được những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Trong đó, một kết quả quan trọng là việc thống nhất các phương pháp để từ nay cho đến khi EU cử đoàn sang kiểm tra các kết quả mà chúng ta đã đạt được cũng như việc phối hợp trong giai đoạn sau, trên cơ sở đó sẽ thống nhất với nhau về lộ trình, cách thức để 2 bên có thể cùng theo dõi sát thực tế diễn biến tình hình, không để xảy ra tình trạng mỗi bên hiểu theo một cách.
       
Về những kế hoạch trong tương lai của ngành thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh mục tiêu của ngành khai thác thủy sản là khai thác một cách hiệu quả, phát triển những giá trị hợp lý và bền vững nhất. Để đạt được mục tiêu tổng thể đó, trước hết cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế Luật thủy sản mới được thông qua, đồng bộ các văn bản pháp luật khác. Tiếp đó, phải rà soát lại những kiến nghị, có sự đầu tư kể cả từ cấp trung ương, địa phương, và đặc biệt là huy động hình thức xã hội hóa để mọi người cùng tham gia hoàn thiện các thiết chế hạ tầng của ngành thủy sản phục vụ phát triển. Cần phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, cả trong lĩnh vực nghiên cứu, quản lý và thực thi, vì nguồn nhân lực chiếm một vị trí rất quan trọng cho phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường giáo dục, thuyết phục để tất cả các thành phần kinh tế trong đó có ngư dân nghiêm túc chấp hành các chủ trương chính sách pháp luật; các doanh nghiệp Việt Nam phải đủ mạnh để đảm bảo không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn hội nhập thành công và bền vững. Điểm cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế, để không chỉ hội nhập mà còn có thể tận dụng những kinh nghiệm đi trước của quốc tế, các bài học và công nghệ cũng như nguồn lực, trên cơ sở đó xây dựng ngành khai thác thủy sản Việt nam phát triển một cách bền vững.

TTXVN/Báo Tin tức
Bổ sung kinh phí cho 22 địa phương phát triển thủy sản
Bổ sung kinh phí cho 22 địa phương phát triển thủy sản

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 226.918 triệu đồng cho 22 địa phương từ nguồn hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ để thực hiện các chính sách phát triển thủy sản trong năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN